Trung Quốc là thị trường đang được nhiều doanh nghiệp nông sản thực phẩm của tỉnh Thanh Hoá khai thác, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá. Công ty Cổ phần yến sào VN Nam Khánh Nest, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương hoàn thành sản xuất các đơn hàng tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, kể từ khi nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, doanh nghiệp đã kết nối được các đơn hàng xuất khẩu. Theo đánh giá, với dân số đông, sức mua tốt, người tiêu dùng Trung Quốc khá quen thuộc với hàng hóa Việt Nam nên dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng yến sang nước này còn rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Thạo, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần yến sào VN Nam Khánh Nest, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đầu năm 2024 đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần, chúng tôi đang đầu tư nguồn lực, đào tạo thêm thợ, tăng ca sản xuất để đáp ứng đơn hàng đã ký kết, năm nay phấn đấu tăng trưởng doanh thu từ 10 – 15%.”
Giá cước vận tải qua các thị trường Châu Âu, Mỹ, Trung Đông tăng cao trong nhiều tháng trở lại đây đã đặt ra những thách thức lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như gỗ, thuỷ sản, nông sản, dệt may, da giày…Trong khó khăn, các doanh nghiệp đã từng bước thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang các thị trường gần, như: Trung Quốc, Asean, khu vực Châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây được đánh giá là những thị trường rất tiềm năng nhờ dân số đông và nhu cầu tiêu dùng đa dạng, từ phân khúc trung bình đến cao cấp.
Ông Trịnh Xuân Lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết cước vận chuyển làm ảnh hưởng lớn đến đơn giá sản phẩm vì thế tập đoàn Tiên Sơn cũng tìm đối tác tin cậy và đối tác thuận tiện vận chuyển hàng hoá, trước đây hàng hoá chủ yếu đi Mỹ thì giờ chuyển sang đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Lê Quý Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi xác định đây không chỉ là khó khăn trước mắt của năm 2024 mà có thể kéo dài đến năm 2025, do đó chúng tôi đã phải thay đổi tái cấu trúc lại các dòng sản phẩm, tái cấu trúc thị trường, ưu tiên cho các nước ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là chúng tôi bắt đầu đi vào thị trường Đông Nam Á.”
Nhờ linh hoạt, đa dạng hoá thị trường, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã duy trì phục hồi và tăng trưởng tích cực. 5 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá toàn tỉnh đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp, ngành Công thương Thanh Hoá cũng đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu. Cũng theo khuyến cáo của ngàng công thương, mỗi thị trường sẽ có những đặc trưng riêng. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị hiếu, đánh giá nhu cầu của thị trường, những yêu cầu quy định hàng hoá của từng quốc gia để có thể đưa hàng hoá tiếp cận thị trường đó.
Nguồn: Bản tin THNM/TTV