Vụ xuân năm nay, ông Lê Văn Luật ở thôn Mỹ Thạch, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương cùng với 10 hộ dân thành lập nhóm hộ tổ chức sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích gần 30 ha bằng giống Ha na số 7. Trong đó, hộ ít khoảng 1,5 ha, hộ nhiều trên 5 ha. Phần lớn diện tích được thuê lại từ các hộ không có nhu cầu sản xuất. Việc sản xuất khá thuận lợi khi nhóm liên kết với Công ty TNHH hạt giống Ha-Na Thanh Hóa.
Ông Lê Văn Luật, thôn Mỹ Trạch, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Giữa nhà liên kết với người nông dân thống nhất với nhau, đưa những loại giống tốt, năng suất cao, thị trường có nhu cầu cao, giá cả được; thu hoạch nhanh gọn, lợi nhuận cao nên chúng tôi rất phấn khởi”.
Trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH hạt giống HaNa Thanh Hóa hỗ trợ bà con cung ứng chậm trả giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác và chỉ trừ chi phí đầu vào khi công ty thu mua sản phẩm cuối vụ. Đến nay, lúa đang cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 80 tạ/1 ha. Vụ xuân này, công ty đã liên kết sản xuất trên 250 ha lúa tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH hạt giống HaNa Thanh Hóa cho biết: “Công ty phối kết hợp với các tập đoàn thu mua ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đảm bảo số diện tích lúa của bà con do công ty liên kết sản xuất sẽ được tiêu thụ toàn bộ”.
Với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhóm hộ, vụ xuân năm nay, Thanh Hóa có trên 37 nghìn ha trong tổng số hơn 114 ngìn ha lúa xuân được liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Không chỉ ở các huyện có diện tích trồng lúa lớn, việc liên kết còn được mở rộng ở các huyện miền núi.
Việc liên kết, sản xuất tập trung được quy hoạch vùng và sản xuất cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc, tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, lại tiết kiệm chi phí sản xuất. Các mô hình đều cho giá trị thu nhập cao hơn 1,3 lần trở lên trên cùng 1 đơn vị diện tích so với sản xuất lúa đại trà.
Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ việc liên kết sản xuất, các doanh nghiệp và bà rất chủ động trong việc thu hoạch. Hơn nữa, giá cả ổn định, bà con thu hoạch không phải phơi, bảo quản, rất thuận lợi, gặt xong có thể bố trí làm công việc khác”.
Hiện nay, nhu cầu chế biến lúa gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khá lớn, dư địa mở rộng diện tích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn nhiều. Việc xây dựng các vùng sản xuất lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao, lúa nếp đảm bảo sản phẩm theo nhu cầu của doanh nghiệp để tăng hiệu quả liên kết cũng chính là định hướng của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất lúa gạo.
Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV