Phong trào đọc sách ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, cùng với những tủ sách đa dạng thể loại, được bổ sung thường xuyên cũng có không ít tủ sách ở khu dân cư còn “nghèo nàn”, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, giải trí của người dân.
Tủ sách thôn Trung Tiến, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) với đa dạng đầu sách, đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của người dân địa phương.
Với hơn 300 đầu sách, nhà văn hóa thôn Trung Tiến, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) là địa chỉ đọc sách được các em nhỏ và đông đảo người dân địa phương yêu thích. Không chỉ có cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên xanh – sạch – đẹp, tủ sách ở đây còn được bố trí khoa học, với đa dạng các thể loại như: chính trị – xã hội, pháp luật, văn học nghệ thuật, khoa học, lịch sử, thiếu nhi… giúp người dân dễ tìm kiếm theo nhu cầu, sở thích. Giữa không gian thoáng đãng của một vùng quê, nhà văn hóa thôn Trung Tiến ngày càng thu hút đông đảo người dân đến đọc sách, trò chuyện.
Bí thư chi bộ thôn Trung Tiến Nguyễn Xuân Trường cho biết: “Năm 2022 trở về trước, do cơ sở vật chất chưa được đầu tư, nhà văn hóa xuống cấp nên chủ yếu phục vụ việc hội họp. Kể từ năm 2023, nhà văn hóa thôn đã được xây mới khang trang và trang bị đầy đủ bàn đọc sách, quạt, điện sáng, nước và internet, phong trào đọc sách của người dân địa phương ngày càng phát triển. Nhằm thường xuyên bổ sung nguồn sách mới, chúng tôi đã vận động các tổ chức, cá nhân, con em xa quê ủng hộ sách… góp phần làm phong phú tủ sách. Đến nay, tủ sách tại khu dân cư đã có đa dạng thể loại, góp phần phát huy tối đa công năng của nhà văn hóa, vừa là nơi để vui chơi, giải trí, vừa giáo dục, phổ biến pháp luật cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn”.
Cũng theo ông Trường, để đa dạng nguồn sách, phục vụ nhu cầu của người dân, trong thời gian tới, thôn sẽ tiếp tục tổ chức các đợt quyên góp, ủng hộ sách. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề xuất với chính quyền địa phương tổ chức các buổi nói chuyện về sách, gặp gỡ một số tác giả, tổ chức các buổi đọc sách chuyên đề tại nhà văn hóa nhằm tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người dân đối với phong trào đọc sách.
Cùng với những kết quả đạt được, việc phát triển văn hóa đọc tại một số khu dân cư trên địa bàn huyện Hoằng Hóa cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, đầu sách chưa thực sự đa dạng, phong phú về thể loại. Đặc biệt là rất ít những ấn phẩm đề cập đến các vấn đề thời sự, chính trị của địa phương, đất nước và một số lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế… Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của internet cũng khiến cho việc triển khai, thực hiện các giải pháp đa dạng nguồn sách ở một số khu dân cư chưa được quan tâm đúng mức.
Còn tại huyện Hà Trung, các địa phương trên địa bàn ngày càng triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, góp phần hình thành và phát triển phong trào đọc sách ở các khu dân cư. Để nguồn sách ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, mỗi năm thư viện huyện đều dành riêng một phần kinh phí để bổ sung nguồn sách mới. Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện đã vận động các nguồn xã hội hóa đóng góp sách từ bạn đọc; phối hợp với Thư viện tỉnh, các công ty sách thực hiện luân chuyển sách, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân địa phương. Đến nay, 143/143 thôn, tiểu khu trên địa bàn huyện có tủ sách pháp luật, với nguồn sách đa dạng, cơ bản đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, giải trí của người dân về các lĩnh vực như: kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hà Trung Phan Thị Lan cho biết: “Nhận thức rõ được vị trí và tầm quan trọng của văn hóa đọc trong cuộc sống, huyện Hà Trung đã, đang triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đến nay, 100% các khu dân cư đều có tủ sách pháp luật, trong đó có tối thiểu 50 đầu sách/tủ sách. Những năm gần đây, việc phát triển đa dạng nguồn sách cho các thôn, tiểu khu được huyện quan tâm, thường xuyên bổ sung mới; đồng thời khuyến khích phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học. Cùng với đó, bổ sung tiêu chí các xã thành lập được các câu lạc bộ đọc sách hoặc nhóm bạn yêu sách tại các thôn vào tiêu chuẩn xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao hoặc kiểu mẫu. Trong thời gian tới, huyện sẽ hướng dẫn các địa phương giao lưu, trao đổi sách, báo, để tủ sách ở các khu dân cư có sự đa dạng, phong phú và đến gần hơn với đông đảo các tầng lớp Nhân dân”.
Có thể nói, tủ sách khu dân cư với đa dạng nguồn sách là cơ sở quan trọng để khơi dậy và lan tỏa thói quen đọc sách, báo của người dân. Đây cũng là nơi mà người dân ở khu vực nông thôn, miền núi dễ dàng tiếp cận nhất. Chính vì vậy, cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, mỗi địa phương cần chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm bổ sung nguồn sách mới, phát huy hiệu quả tủ sách tại các khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng xã hội học tập suốt đời.
Bài và ảnh: Hoài Anh