Là huyện miền núi với đa số đồng bào Thái, Mường sinh sống và được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh, cùng các lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc. Phát huy lợi thế trên, những năm qua huyện Lang Chánh đã tập trung khai thác giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Các lễ hội trên địa bàn huyện Lang Chánh được khôi phục và phát huy góp phần phát triển du lịch.
Được thiên nhiên ưu ái, điều kiện khí hậu trong lành, mát mẻ, với hệ thống ruộng bậc thang trải dài như những cung đàn, nốt nhạc, đan xen khắp các sườn núi… cùng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc, thời gian qua xã Yên Thắng đã và đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, gắn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Phấn đấu từng bước đưa doanh thu du lịch trở thành nguồn thu nhập chính để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai. Để thực hiện nhiệm vụ trên, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền để người dân gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, khôi phục, phát triển các ngành nghề, xây dựng các câu lạc bộ dệt thổ cẩm, đan lát. Tổ chức phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Thái, như: khặp Thái, tục làm vía, mừng cơm mới… Sửa chữa, nâng cấp hệ thống nhà sàn truyền thống, các điểm vui chơi giải trí, điểm check-in, cắm trại, nghỉ dưỡng… Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng các điểm du lịch trải nghiệm, khám phá ruộng bậc thang ở bản Ngàm Pốc, bản Peo. Xã Yên Thắng phấn đấu trong năm 2024 đón khoảng 10.000 lượt khách du lịch, trong đó có 200 lượt khách quốc tế.
Với trên 90% là đồng bào dân tộc Thái, Mường sinh sống, huyện Lang Chánh có lợi thế riêng để phát triển du lịch cộng đồng. Những năm qua, huyện đã đề ra nhiều chủ trương và giải pháp nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lang Chánh đã ban hành nghị quyết chuyên đề “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2025 hình thành rõ nét, đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch gắn với lợi thế của địa phương, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng. Phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, nghề, dịch vụ phát triển; du lịch Lang Chánh từng bước nằm trong tốp đầu của các huyện miền núi trong tỉnh.
Hiện nay, huyện đã và đang tập trung xây dựng mới các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bản Ngàm Pốc (xã Yên Thắng); bản Ngày (xã Lâm Phú); điểm du lịch Thung Bằng (xã Đồng Lương); điểm du lịch Làng Thiền (đội 5 cũ, xã Trí Nang); điểm du lịch làng Năng Cát; điểm du lịch đền thờ Lê Lợi (xã Trí Nang)… vào dịp đầu xuân và các lễ hội truyền thống để phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức các lễ hội: Lễ hội Chí Linh Sơn tại Khu du lịch sinh thái thác Ma Hao, bản Năng Cát (xã Trí Nang); Lễ hội chùa Mèo; Lễ hội Chá Mùn; Lễ hội Đền thờ Đô đốc Đài lương quận công Lê Phúc Hoạch; trưng bày và giới thiệu sản phẩm truyền thống. Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác đầu tư nghiên cứu, bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, như: Trang phục, ngôn ngữ, lễ hội, ẩm thực; khảo sát, sưu tầm và phục dựng các tiết mục văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường… bước đầu đã thu hút đông đảo du khách.
Việc đẩy mạnh khai thác giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Lang Chánh đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Thiện Nhân