Sách luôn được ví như một kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày chính là con đường nhanh nhất giúp con người lĩnh hội thông tin, nâng cao sự hiểu biết… Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, không ít người đã thay đổi thói quen đọc sách sang việc tìm kiếm thông tin trên internet.
Phòng đọc số tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa luôn thu hút sự quan tâm của độc giả.
Ngày nay, rất nhiều người có thói quen sử dụng mạng xã hội, đọc thông tin trên thiết bị công nghệ thay vì đọc sách. Anh Ngô Ngọc Dương ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Do tính chất công việc nên tôt rất ít khi có thời gian đọc sách báo. Chỉ tranh thủ thời gian rảnh để đọc thông tin trên điện thoại di động hoặc nghe radio, podcast để cập nhật thông tin, vừa tiện lợi mà thông tin lại phong phú, đa chiều”.
Tuy nhiên, trước những ưu điểm của sách điện tử, đọc sách theo cách truyền thống vẫn là một nét văn hóa được nhiều gia đình giữ gìn. Chị Lê Ngọc Vân ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Vì các con còn nhỏ, chưa thể phân biệt được thông tin đúng, sai, độc hại hay hữu ích từ internet nên tôi rất hạn chế cho các con sử dụng mạng xã hội và thiết bị công nghệ. Thay vào đó, gia đình có thói quen cùng nhau đi nhà sách để chọn mua sách cho con vào những khi rảnh rỗi hoặc bé lớn có thể tự lên mạng tìm hiểu về những cuốn sách mà con muốn mua sau đó xin ý kiến mẹ về việc mua sách online. Tôi cho rằng việc xây dựng thói quen đọc sách cho các con không chỉ giúp con có thêm kiến thức bổ ích, mà còn rèn luyện tính kiên trì, kỷ luật”.
Để góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đến phát triển văn hóa đọc cơ sở như phục vụ xe ô tô thư viện lưu động và luân chuyển sách báo đến các điểm trường, trại giam, đồn biên phòng, vùng sâu, vùng xa… Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, phối hợp tổ chức ngày hội đọc sách nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, phát hành…
Bên cạnh việc duy trì, tổ chức khai thác, sử dụng sách, để bắt nhịp xu hướng số nhằm phục vụ nhu cầu bạn đọc ngày một tốt hơn, Thư viện tỉnh cũng đã mở phòng máy tính, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số thư viện… Ông Lê Hải Nam, Trưởng Phòng Tin học (Thư viện tỉnh) cho biết: “Thư viện đã trang bị 80 bộ máy tính, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo bạn đọc có điều kiện học tập, nghiên cứu tốt nhất. Ngoài ra, còn thường xuyên tuyên truyền, cập nhật danh mục sách mới lên hệ thống website, fanpage… Xác định đổi mới hoạt động thư viện là yêu cầu cấp thiết hàng đầu để phát triển văn hóa đọc, do đó hình thức tổ chức và hoạt động thư viện luôn được thường xuyên nghiên cứu để đổi mới, sáng tạo… Mỗi tuần, cán bộ thư viện sẽ lựa chọn các cuốn sách hay, giàu ý nghĩa để giới thiệu cho học sinh, hướng dẫn các em phương pháp đọc sách hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh đã chuyển đổi số thành công toàn bộ tài liệu dưới dạng thư mục. Đảm bảo bạn đọc có thể tìm tài liệu mọi lúc mọi nơi tại địa chỉ thuvientinhthanhoa.vn. Thời gian tới, thư viện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ số hóa tài liệu toàn văn và biên mục các tài liệu đã được số hóa lên phần mềm thư viện điện tử ilib8.0; nâng cấp phần mềm ilib với những tính năng thông minh hơn.
Cùng với việc phát triển văn hóa đọc thời 4.0, phát triển thư viện số, thì phát triển văn hóa đọc truyền thống vẫn cần được duy trì như một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, thì mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cần duy trì thói quen đọc sách để nâng cao kiến thức, rèn luyện tư duy, phát triển kỹ năng của bản thân…
Bài và ảnh: Linh Hương