Với mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN) của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, triển khai, đưa các chính sách vào thực tiễn.
Nhiều chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa được triển khai sẽ hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất (trong ảnh: Chế tạo cơ khí tại Công ty TNHH Thang máy kỹ thuật điện AZ, Khu Công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga).
Tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND, ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026 (Nghị quyết 214) với nhiều nội dung hỗ trợ thiết thực với nhu cầu của DN. Năm 2024, UBND tỉnh đã triển khai sớm việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị triển khai nhiệm vụ; đồng thời tăng cường công tác thông tin truyền thông thực hiện chính sách.
Ngày 19/2/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND phê duyệt giao nhiệm vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa sử dụng ngân sách Trung ương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Theo đó, DN được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/DN đối với DN siêu nhỏ hoặc không quá 70 triệu đồng/năm/DN đối với DN siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, DN siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và DN siêu nhỏ là DN xã hội; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/DN đối với DN nhỏ hoặc không quá 150 triệu đồng/năm/DN đối với DN nhỏ do phụ nữ làm chủ, DN nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và DN nhỏ là DN xã hội; hỗ trợ tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/DN đối với DN vừa hoặc không quá 200 triệu đồng/năm/DN đối với DN vừa do phụ nữ làm chủ, DN vừa sử dụng nhiều lao động nữ và DN vừa là DN xã hội.
Ngày 16/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN, quản trị DN và đào tạo nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, trong năm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì việc tổ chức 47 lớp học về bồi dưỡng kiến thức khởi sự DN và 41 lớp bồi dưỡng kiến thức quản trị DN. Mục tiêu của các lớp học nhằm truyền đạt về các chuyên đề, kỹ năng cần thiết thành lập DN; những vấn đề về thị trường và marketing trong khởi sự DN; quản trị DN; văn hóa DN; các thông tin quy hoạch, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực DN, thông tin tình hình thế giới cũng như các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho DN lập nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, cuối năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định dành 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung vốn sự nghiệp trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023 để hỗ trợ về công nghệ cho các DN nhỏ và vừa. Nguồn vốn này sẽ hỗ trợ hợp đồng tư vấn cho 9 DN nhỏ và 1 DN vừa trên địa bàn tỉnh về giải pháp chuyển đổi số quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh; hỗ trợ 5 DN siêu nhỏ và 10 DN nhỏ về thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, sản xuất và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Nhằm thúc đẩy thực thi chính sách, mới đây, UBND tỉnh cũng ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện các chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, để triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản khác liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, triển khai thực hiện có hiệu quả về hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký DN và hỗ trợ sử dụng chữ ký số cho DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024; chính sách hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức về khởi sự DN và quản trị DN, kế hoạch hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; lập dự toán kinh phí hỗ trợ tư vấn cho các DN nhỏ và vừa.
Sở Công Thương chủ trì nội dung về hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các DN xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới; Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ công nghệ và hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ công nghệ cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và lập dự toán kinh phí hỗ trợ chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư – Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, thực hiện nội dung về hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa…
Cùng với giao triển khai tổng hợp nhu cầu thực hiện kinh phí hỗ trợ, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, các hội, hiệp hội, tổ chức hỗ trợ DN, tổ chức chính trị – xã hội và chính quyền các địa phương tích cực phổ biến, tuyên truyền các nội dung, chính sách hỗ trợ DN theo quy định, sớm đưa các chính sách hỗ trợ từ Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa cùng các nghị định hướng dẫn và Nghị quyết 214 vào thực tiễn.
Bài và ảnh: Tùng Lâm