Chính quyền kiến tạo, hành động vì doanh nghiệp (DN) đang là mục tiêu hướng tới trong công cuộc cải cách hiện nay. Tại Thanh Hoá, cùng với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng điều hành kinh tế đã và đang được chỉ đạo mạnh mẽ, việc triển khai Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) từ năm 2021 đến nay đã thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.
Vượt “cơn gió ngược”!
Năm 2023 từng là thời điểm được các chuyên gia kinh tế nhận định khó khăn nhất của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 30 năm trở lại đây. Tác động của suy thoái kinh tế hậu đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên mọi hoạt động đầu tư cũng như lực cầu tiêu thụ hàng hoá. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thanh Hoá vẫn đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước; thu ngân sách đạt hơn 40.000 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư phát triển đạt hơn 130.000 tỷ đồng. Một số lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao như công nghiệp – xây dựng đạt 8,67%; dịch vụ 7,19%, du lịch tăng 20,9% so với cùng kỳ… đóng vai trò là “nhạc trưởng” trong thành quả tăng trưởng ấn tượng của tỉnh Thanh Hoá.
Sản xuất công nghiệp năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đang trong lộ trình phục hồi.
Đặc biệt, hoạt động thu hút đầu tư “ghi danh” thêm 83 dự án đầu tư trực tiếp; trong đó có 14 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 29.057 tỷ đồng và 209,9 triệu USD, cao gấp nhiều lần so với những năm trước đó.
Những thành quả trên là kết quả của nhiều giải pháp điều hành quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở nhằm triển khai kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội; đặc biệt là công tác đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển.
Công nhân Công ty TNHH JASAN Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất tại xã Định Liên (Yên Định).
Trong năm 2023, Thanh Hoá là tỉnh thứ 4 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và là tỉnh thứ 3 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040. Với tầm nhìn dài hạn, các quy hoạch đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tổng Công ty CP Hợp Lực khởi công Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp phía Đông Bắc TP Thanh Hóa.
Với các “xương sống” quy hoạch và định hướng phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 vùng liên huyện và 6 hành lang kinh tế, Thanh Hoá đã tập trung dồn nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng. Trên cơ sở quy hoạch ban hành, cũng đồng thời là cơ sở cho việc chấp thuận đầu tư các dự án hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo quỹ mặt bằng sạch cho thu hút đầu tư.
Sản xuất hàng hoá may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn (thị xã Bỉm Sơn).
Tiếp nối đà phục hồi của năm 2023, trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục khởi đầu khả quan với GRDP tăng trưởng 2 con số, đứng thứ 3 cả nước và có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hút được 38 dự án (trong đó có 10 dự án FDI), gấp 2 lần so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký khoảng 3.666 tỷ đồng và 177 triệu USD. Một số ngành, lĩnh vực trọng điểm; trong đó thể hiện rõ vai trò của lực lượng sản xuất, kinh doanh tiếp tục khẳng định là những đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế, như: Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước, huy động vốn đầu tư…
Kết quả đạt được trong năm 2023 và những tháng đầu năm đã thể hiện rõ sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa với tinh thần hướng về cơ sở, sâu sát với cơ sở; đặc biệt là sự quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để tạo đà, bứt tốc về đích các mục tiêu kinh tế – xã hội của nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thông điệp của sự cầu thị
Với quan điểm, lấy “DN phát triển” làm động lực cho “Thanh Hóa thịnh vượng”, việc “dọn đường” cho DN tiến bước được các cấp uỷ, chính quyền Thanh Hoá quan tâm đặc biệt. Những năm qua, tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực DN, quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao, cải thiện các chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)…
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho DN.
Đặc biệt, từ năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa (DDCI Thanh Hóa) giai đoạn 2021-2025. Không chỉ là giải pháp quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, DDCI Thanh Hóa còn là thông điệp thể hiện sự cầu thị, quan tâm của tỉnh đối với cộng đồng DN, với mong muốn xây dựng cộng đồng DN Thanh Hóa phát triển bền vững trên nền tảng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và bình đẳng.
Thanh Hoá thu hút hãng tàu CAM-CGM quay trở lại thực hiện tuyến vận tải hàng hoá container qua Cảng Nghi Sơn vào đầu năm 2023.
Qua 2 năm triển khai, DDCI Thanh Hóa đã bước đầu đem lại những tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy tư duy cải cách, củng cố niềm tin vào môi trường kinh doanh đang ngày một tốt lên, góp một phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Điều đó đã được minh chứng khi ở lần đánh giá DDCI năm thứ 2, đã ghi nhận những kết quả khả quan như tăng điểm trung vị, cải thiện điểm số ở cả 2 khối sở, ban, ngành và UBND cấp huyện so với năm trước.
Điển hình như điểm trung vị của DDCI khối sở, ngành năm 2022 là 66,8 điểm, cao hơn 7,5 điểm và có 20/21 đơn vị có điểm số tăng so với năm 2021. Điểm trung vị khối các huyện, thị xã, thành phố là 67,19 điểm, cao hơn 3,63 điểm và có 14/27 đơn vị có sự cải thiện điểm số so với năm 2021. Đây là những mức tăng điểm đáng kể, cho thấy năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo đánh giá của cộng đồng DN tỉnh là có cải thiện so với năm trước. Đặc biệt, có những đơn vị sở, ngành, địa phương “bứt tốc” khi tăng điểm với 2 con số như: Sở Thông tin và Truyền thông (+22,72 điểm), Bảo hiểm xã hội tỉnh (+16,16 điểm) và Sở Giáo dục và Đào tạo (+10,52 điểm); các huyện Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Bá Thước tăng 23-24 điểm so với năm trước.
Cùng với đó, “sức nóng” từ bảng xếp hạng trong DDCI đã tạo động lực thi đua, khiến mỗi đơn vị sở, ban, ngành, địa phương chủ động trong phương án điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ DN để có thể đạt được kết quả tốt hơn về điểm số cùng thứ hạng vào các năm tiếp theo.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Thanh Hoá, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nhận định: “Qua 2 năm triển khai, DDCI đã khẳng định vị trí là một kênh đánh giá có ý nghĩa quan trọng. Không chỉ tạo niềm tin cho DN khi nhìn thấy sự cầu thị của các cấp chính quyền, DDCI còn là cơ hội để nâng tầm công tác quản lý, điều hành kinh tế; đặc biệt là cải cách hành chính theo hướng thân thiện, thích ứng trong thời kỳ số hoá. Có thể nói, sự thay đổi, cải cách nói chung và trong lĩnh vực DN nói riêng là một lộ trình dài, không nghỉ, không có điểm dừng, nhưng từ khi triển khai đánh giá DDCI đã nâng tầm rõ rệt cách quản lý của chính quyền cấp cơ sở những kết quả đáng khích lệ”.
Tạo “sức nóng”, nối dài tinh thần cải cách
Năm 2023 là năm thứ 3 Thanh Hóa triển khai đánh giá DDCI. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa – Ninh Bình (VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình), bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa tiếp tục được thực hiện trên cơ sở thu thập, tổng hợp, nghiên cứu mức độ hài lòng, ý kiến đánh giá của các tổ chức, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với các khía cạnh liên quan đến điều hành kinh tế, đồng hành và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện bởi các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện của tỉnh Thanh Hóa. Thông qua kết quả thống kê, bức tranh tổng hợp về môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực và tại các địa phương cấp huyện từ góc nhìn của các cá nhân, tổ chức kinh doanh sẽ được thể hiện rõ. Từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để đạt được các mục tiêu của đề án, hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chung của tỉnh.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình, chia sẻ: “Năm nay, chúng tôi đã vận dụng đa dạng các hình thức khảo sát như thư gửi qua đường bưu điện, khảo sát online, phỏng vấn trực tiếp; tuy nhiên tập trung nhiều hơn vào hình thức phỏng vấn trực tiếp để có được đánh giá, cảm nhận chính xác hơn từ các DN. Cùng với đó, bước sang năm thứ 3, các hiệp hội, tổ chức đại diện DN cấp tỉnh và cấp huyện đã đồng hành, tham gia tích cực trong việc vận động hội viên tham gia khảo sát. Cùng với công tác truyền thông rộng rãi, các DN, HTX, hộ kinh doanh cũng tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với câu trả lời và đưa ra cảm nhận. Với số lượng DN, HTX, hộ kinh doanh tham gia khảo sát tăng gần gấp đôi so với năm 2022, (khoảng 7.000 DN, HTX, hộ kinh doanh) sẽ giúp đưa ra góc nhìn đa dạng, khách quan và mang tính đại diện cao hơn”.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Năm 2023, nội dung khảo sát vẫn bao gồm 8 chỉ số: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và vai trò của người đứng đầu; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý và tiếp cận đất đai. |
Kết quả công bố tới đây, chắc chắn sẽ có sự thay đổi, xáo trộn về điểm số, về thứ bậc so với những năm trước. Tuy nhiên, DDCI không chỉ là điểm số, thứ hạng, mà chính là những con số góp phần phản ánh rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; những ưu, nhược điểm trong thực thi công vụ; đồng thời nói lên trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Từ đó, tạo phong trào thi đua nâng cao chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thúc đẩy tinh thần chủ động cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, DN. Đây cũng là cơ hội để hỗ trợ các đơn vị được đánh giá xác định trọng tâm cải cách, lựa chọn và triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp để cải thiện hiệu quả điều hành kinh tế của đơn vị mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chung của tỉnh.
Đã là xếp hạng, thì sẽ có những đơn vị đứng ở top đầu và top cuối. Đây là sự cảm nhận, đánh giá khách quan của DN, hộ kinh doanh về chất lượng đồng hành của các đơn vị mà họ trực tiếp tương tác, bảo đảm sự bảo mật tuyệt đối và không có sự can thiệp, tác động. Có như vậy, mới khơi dậy và thôi thúc được tinh thần, động lực thi đua, cạnh tranh về những nỗ lực trong nâng cao chất lượng đồng hành cùng DN.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hoá – Ninh Bình.
Thực tế, với nhiều hoạt động cụ thể hướng về DN, gắn với DN, nâng cao chất lượng đồng hành, hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai trong thời gian vừa qua; đặc biệt là việc các đơn vị chủ động xây dựng các chương trình để nâng cao, cải thiện chỉ số này. Người đứng đầu cấp cơ sở cũng đã có những động thái quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo cán bộ công chức, viên chức thực thi tốt các nhiệm vụ được giao đã là câu trả lời cho hiệu quả của đề án.
Minh Hằng