Nguyễn Lý (1374-1445), người làng Dao Xá, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang (nay là khu phố Giao Xá, thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân), không chỉ là khai quốc công thần nhà Lê, mà còn là 1 trong 18 người cùng dự Hội thề Lũng Nhai với Lê Lợi.
Lê Lý, khai quốc công thần vương triều Hậu Lê được đề danh trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Nếu cuộc kháng chiến chống quân Minh do Hồ Quý Ly lãnh đạo được tiến hành trong lúc nội tình đất nước không yên, chính quyền không được lòng dân, thì khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi lãnh đạo không chỉ khắc phục những hạn chế của cuộc kháng chiến trước đó, mà còn có nhiều sáng tạo về nghệ thuật quân sự. Đại đa số nghĩa quân là những người “mạnh lệ” – những người nghèo khổ bị bọn xâm lược và phản động áp bức, theo tiếng gọi của chủ tướng Lê Lợi đã đến tập hợp, trở thành những nghĩa binh dũng cảm.
Nguyễn Lý – một người có mặt ngay từ những ngày đầu gian khó và trong mọi trận chiến của Lê Lợi nhưng đến nay tài liệu về ông còn khá ít ỏi. Sách 35 vị khai quốc công thần Lam Sơn (NXB Thanh Hóa, 2017) vỏn vẹn hơn 3 trang; “Lam Sơn thực lục” cũng chỉ vài ba dòng viết về ông.
Năm 1418, khi Lê Lợi vừa phát lệnh khởi nghĩa thì lập tức quân Minh đàn áp gay gắt. Trong cuộc đọ sức không cân xứng này, nghĩa quân Lam Sơn đã chịu khá nhiều tổn thất. Lê Lợi buộc phải rút hết lực lượng về sách Mường Một (nay là vùng Bát Mọt, huyện Thường Xuân) và sau đó rút lên Linh Sơn (còn gọi là núi Chí Linh). Giặc vừa chấm dứt cuộc vây hãm Linh Sơn, Lê Lợi liền cho quân sĩ trở về Lam Sơn củng cố đội ngũ, tăng cường tích trữ lương thực và sắm sửa thêm vũ khí để chiến đấu lâu dài. Nhưng, trở lại Lam Sơn trong vài ngày, Lê Lợi đã phải đối phó với những cuộc tấn công đàn áp quyết liệt hơn, nên đành cho quân rút về Lạc Thủy.
Tại Lạc Thủy, Lê Lợi dự đoán rằng quân Minh nhất định sẽ dốc sức đuổi gấp theo. Để ngăn chặn cuộc truy đuổi ráo riết của quân Minh, Lê Lợi quyết định bố trí một trận đồ mai phục hết sức lợi hại ngay tại Lạc Thủy. Nguyễn Lý từ Thứ thủ trong vệ kỵ binh đã vinh dự được trao chức phó chỉ huy trận mai phục này. Ngoài Nguyễn Lý còn có một số tướng lĩnh xuất sắc như: Lê Thạch, Lê Ngân, Đinh Bồ và Trương Lôi.
Sau những trận thắng nhỏ, quân giặc chủ quan, chúng rầm rộ tiến vào Lạc Thủy với hy vọng sẽ đập tan hoàn toàn lực lượng Lam Sơn. Lợi dụng tình thế chủ quan, quân mai phục của Lê Lợi bất ngờ xông ra. Sách “Đại Việt thông sử” đã chép về trận thắng này: Ta đã “chém được vài ba ngàn tên, quân trang khí giới bắt được kể có đến hàng ngàn”. Tướng chỉ huy quân Minh trong trận này là Mã Kỳ phải một phen thực sự kinh hoàng. Đây là trận thắng lớn đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn, mở ra nhiều trận đại thắng sau này. Trong đó, tên tuổi của Nguyễn Lý ngày càng nổi bật.
Năm 1420, Lê Lợi cho quân đóng ở Mường Thôi. Lần này, hai tướng cao cấp của giặc là Lý Bân và Phương Chính đem trên 10 vạn quân, đánh thẳng vào khu căn cứ mới của Lê Lợi. Kẻ dẫn đường cho quân Minh là tên việt gian Cầm Lạn, người đang giữ chức Đồng Tri châu ở Quỳ Châu (Nghệ An). Để giành thế chủ động tấn công và đánh địch một trận thật bất ngờ, Lê Lợi phái các tướng Lý Triện, Phạm Vấn và Nguyễn Lý đem quân đến mai phục sẵn ở vị trí rất hiểm yếu, trên tuyến đường dẫn vào Mường Thôi.
Đúng như dự kiến của Lê Lợi, Lý Bân và Phương Chính không chút nghi ngờ, lực lượng tiên phong của chúng vừa lọt ổ mai phục, thì Nguyễn Lý, Phạm Vấn và Lý Triện liền hạ lệnh cho quân sĩ bốn bề nhất loạt xông ra. Trong trận đánh này, nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt được một bộ phận khá lớn sinh lực của giặc, khiến “bọn Lý Bân và Phương Chính chỉ chạy thoát lấy thân”.
Từ năm 1424 đến 1426, nghĩa quân Lam Sơn liên tục tổ chức nhiều trận tấn công vào khu vực quân Minh đóng ở Nghệ An. Nguyễn Lý là một trong những tướng có vinh dự tham gia ở hầu hết các trận lớn như Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải… Nhờ lập nhiều công lao, ông được Lê Lợi cho thăng dần đến hàm Thiếu úy. Tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), Nguyễn Lý cùng Trần Nguyên Hãn đánh chiếm được thành Xương Giang, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc và ba vạn quân địch. Từ đây, quân Minh ngày một suy yếu, nghĩa quân Lam Sơn đánh đâu thắng đấy.
Khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế vào năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê, lấy hiệu là Thuận Thiên ông đã ban thưởng cho những người vào sinh ra tử với mình. Nguyễn Lý được tấn phong là Tư mã, có quyền tham dự triều chính, được xếp vào hàm Suy Trung tán Trị Hiệp mưu Công thần, cho mang Quốc tính (họ vua) và có chiếu biểu dương “Lê Lý (Nguyễn Lý) kinh dinh bốn phương, phía Bắc đánh giặc Minh, phía Nam đuổi Ai Lao. Hễ đi đến đâu đều lập công đến đó, khéo biết lấy yếu đánh mạnh, lấy ít thắng nhiều”. Từ đó sử chép ông mang tên Lê Lý. Năm 1429, triều Lê dựng biển khắc tên 93 khai quốc công thần, tên của Lê Lý được xếp vào hàng thứ 6.
Khi vua Lê Thái Tổ băng hà, vua Lê Thái Tông lên ngôi, lúc này đại tư đồ Lê Sát nắm binh quyền, lại không ưa Lê Lý đẩy ông ra làm tổng đốc lộ Thanh Hóa, sau đó lại đổi làm đồng tổng đốc lộ Bắc Giang hạ. Đến năm 1437, tư đồ Lê Sát bị bãi chức, rồi bị giết, Lê Lý được gọi về triều làm Nhập nội Thiếu úy tham tri việc quân các vệ thuộc tây đạo (gồm các châu lộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa).
Năm 1445, Lê Lý qua đời. Vua Lê Nhân Tông ban tên thụy là Cương Nghị, biểu dương đức tính cứng rắn, nghị lực của ông và có sắc cho dựng đền thờ ở Lâm La. Lăng mộ của Nguyễn Lý được táng ở Cốc Xá, làng Dựng Tú, Lương Giang (nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Đây là lý do tại Ba Si, xã Kiên Thọ, hằng năm người dân và con cháu họ Nguyễn vẫn thường dâng hương trên ngôi mộ nhỏ vào những ngày lễ. Năm Giáp Thìn (1484), vua Lê Thánh Tông truy phong cho ông làm “Thái sư, Dụ Quận công”, sau lại gia thăng “Dụ Quốc công”. Các đời vua Lê về sau đều phong Lê Lý làm “Trung đẳng Phúc thần Đại vương”.
“Có lẽ do những binh biến của thời cuộc mà ở làng Giao Xá (nay thuộc thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân), được chép là quê của Nguyễn Lý, hiện tại không còn chút hồ sơ, tài liệu, chính sử ghi về ông”, anh Nguyễn Văn Thủy, công chức văn hóa thị trấn Lam Sơn cho biết. Tên Lê Lý trên đất Thanh Hóa giờ chỉ còn được đề ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Giới thiệu với chúng tôi, bà Trình Thị Luận, Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý di tích Lam Kinh chỉ trên những tấm biển ghi thân thế và sự nghiệp của 18 người đã dự Hội thề Lũng Nhai với Lê Lợi. “Những dòng lý lịch đơn giản nhưng đủ để chúng ta hiểu phần nào về danh tướng Lê Lý. Đáng tiếc là tài liệu chép về ông quá ít ỏi. Hy vọng rằng giai đoạn tiếp theo, với sự phát triển của công tác sưu tầm, lưu trữ văn bản, chúng ta sẽ có thêm nhiều nguồn tư liệu của các vị tướng thời Hậu Lê, trong đó có Lê Lý”.
Bài và ảnh: Kiều Huyền