Với đường may được lập trình sẵn, việc chạy đường kim mũi chỉ của máy hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của con người; sai sót gần như không thể xảy ra so với phương pháp may truyền thống. Đặc biệt, hệ thống máy may tự động giúp giảm thiểu tối đa sự tham gia của con người và gia tăng năng suất may sản phẩm.
Chị Lê Thị Lan, Công ty TNHH YKJ Vina, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Công ty có đầu tư một số máy móc lập trình tự động, 1 máy chỉ cần có 1 người, 1 giờ có thể sản xuất từ 100 – 200 sản phẩm, giúp cho cho công việc của chúng tôi đỡ vất vả hơn”.
Công ty TNHH YKJ Vina là doanh nghiệp FDI, có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Công ty hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động với thu nhập trung bình từ 6,8 – 7,5 triệu đồng/người/ tháng. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty đã không ngừng đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với hệ thống máy may lập trình tự động, công ty còn đầu tư nhiều máy móc hiện đại khác như: máy ép vải, máy trải vải, máy đóng khuyết, đóng cúc tự động, máy bổ cơi, bổ túi tự động, máy nhồi bông tự động… Từ đó, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của những đơn hàng xuất khẩu.
Ông Mai Sỹ Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH YKJ Vina, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, chúng tôi có những chuyên gia nước ngoài luôn luôn tìm tòi, thay đổi quy trình công nghệ nâng cao chất lượng của sản phẩm; tạo ra những sản phẩm tốt hơn. Hàng năm, chúng tôi xuất từ 150 – 170 ngàn sản phẩm, hướng tới các thị trường Hàn Quốc, Mỹ… Thời gian tới mở rộng thị trường sang Canada, Úc và 1 số thị trường châu Âu khác”.
Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn được biết đến là doanh nghiệp đi đầu trong ngành dệt may của xứ Thanh. Hiện, tập đoàn có 13 nhà máy may xuất khẩu tại các huyện nông thôn, miền núi của tỉnh, tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Hiện nay, các sản phẩm dệt may của tập đoàn được xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu như: Mỹ, EU… Doanh nghiệp cũng là một trong những đối tác của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như: Nike, Jordan, Sunny, Cheong san, K- Mart… Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tập đoàn đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại cho các công đoạn sản xuất như: máy kiểm tra vải, máy tời vải, máy cuộn viền, máy trải vải, máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt, máy may tự động… Nhờ áp dụng công nghệ cao trong quá trỉnh sản xuất đã giúp doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm có chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Vũ Văn Thành, Giám đốc điều hành Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà hiện có 700 lao động. Nhà máy có ứng dụng các máy móc hiện đại, 100% là thiết bị điện tử, tự động. Về quy trình, chúng tôi cũng đang tiến hành chuyển đổi số các phần mềm quản lý để làm sao khoa học, hiện đại. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đã giúp doanh nghiệp giảm nhân công, tăng năng suất lao động. Hiện tại, năng suất lao động đã tăng 30 – 40% so với trước đây, đời sống người lao động được nâng cao”.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tiên Sơn, Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Những năm gần đây, chúng tôi luôn đầu tư nhiều máy tự động hóa với giá thành lớn vào sản xuất, từ đó, mang lại hiệu quả rất cao. Cách đây 5 năm, năng suất của người lao động khoảng 13 – 14 USD/ngày nhưng tại thời điểm này, Tập đoàn Tiên Sơn, mỗi lao động bình quân, mỗi ngày làm được khoảng 35 USD. Từ những năng suất đó, chúng tôi có thêm lợi nhuận và tiếp tục đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại hơn; phấn đấu xây dựng “sản xuất xanh” trong ngành may mặc, đáp ứng với các qui định của quốc tế”.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp Thanh Hóa đã không ngừng đầu tư nhiều máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu; tăng thu nhập cho người lao động.
Ông Hirofumi Takamiya, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Công ty TNHH Sakurai Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2009. Hiện nay, công ty TNHH Sakurai Việt Nam có hơn 12 ngàn lao động. Từ đầu năm 2024, công ty có bổ sung nhiều máy móc, thiết bị hiện đại nhằm giảm nhân sự, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, thu nhập và các chế độ khác của người lao động luôn đảm bảo”.
Việc đầu tư nhiều máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ chính là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp Thanh Hóa ngày càng phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Nguồn: Chuyên mục Doanh nghiệp doanh nhân ngày 15/5/2024