Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024); Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự sự kiện.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Có thể thấy, trong dòng chảy 65 năm, các thành tựu về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng như: Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn kiện Đại hội XII, XIII… khẳng định “khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”; “khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.
Các đại biểu tham dự sự kiện.
Thông qua hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ toàn diện và đồng bộ với 8 đạo luật chuyên ngành, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học và công nghệ, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đã từng bước đơn giản hóa về thủ tục thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tăng cường hậu kiểm; tạo môi trường học thuật tiên tiến và thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ.
Đầu tư cho khoa học và công nghệ, nhất là đầu tư của doanh nghiệp đánh dấu sự chuyển dịch quan trọng theo hướng xã hội hoá. Trước đây chủ yếu chỉ từ ngân sách nhà nước thì nay tỷ trọng đã gần ngang bằng nhau (52% và 48%). Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một gian trưng bày thành tựu khoa học công nghệ.
Hoạt động khoa học và công nghệ ghi dấu ấn trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ trong quá trình xây dựng, soạn thảo các văn kiện, nghị quyết của Đảng qua từng nhiệm kỳ đại hội. Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên tập trung vào nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; góp phần quan trọng nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao. Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019. Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới với tỷ lệ nội địa hóa cao, phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tham quan các gian trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều kết quả nghiên cứu liên quan công nghệ, vật liệu, giải pháp kỹ thuật mới, cơ khí, tự động hóa, chế tạo nội địa hóa thiết bị thí nghiệm, kiểm định với mức tự động hóa cao. Trong lĩnh vực y tế, đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, đặc biệt kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, X-quang can thiệp… làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng gồm thận, gan, tụy, tủy, thận, tim, phổi, một số kỹ thuật ghép tạng đạt trình độ ngang tầm thế giới, mở ra cơ hội sống cho hàng nghìn người bệnh và mang lại lợi ích lớn về kinh tế-xã hội…
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã được phát triển mạnh mẽ ở các địa phương trên toàn quốc. Năm 2023, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Năm 2023, Việt Nam xếp 46/132 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Bộ Khoa học và công nghệ đã xây dựng Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương…
Một tiết mục biểu diễn tại sự kiện.
* Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức lần đầu tiên vào ngày 18/5/2014 nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học và công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Đến nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trở thành một trong những Giải thưởng khoa học uy tín tại Việt Nam, được cộng đồng khoa học đánh giá cao.
Qua 10 năm triển khai, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được hơn 400 hồ sơ tham dự. Bộ trưởng Khoa học và công nghệ đã trao tặng Giải thưởng cho 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ. Các nhà khoa học đoạt Giải thưởng trong các năm qua là những tấm gương để các nhà khoa học Việt Nam – đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tiếp tục nỗ lực thực hiện các nghiên cứu khoa học đỉnh cao, góp phần đưa khoa học và công nghệ hội nhập, phát triển.
Giải thưởng đã ghi nhận sự phân bố đa dạng của các nhà khoa học xuất sắc về độ tuổi, giới tính, vùng miền trên cả nước, thuộc đầy đủ các ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Các công trình đều được các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản của Quỹ NAFOSTED đánh giá cao về chất lượng nghiên cứu, có ý nghĩa khoa học, tác động đến vấn đề, chuyên ngành nghiên cứu; các tạp chí đăng tải công trình đều được xếp thứ hạng cao (top 10%) trong Danh mục tạp chí của Web of Science và Scimago, mang tầm quốc tế.
Năm 2024, Bộ Khoa học và công nghệ triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký Giải thưởng Tạ Quang Bửu từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024. Tổng số hồ sơ tiếp nhận là 97 hồ sơ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 21 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng trẻ. Hội đồng xét tặng Giải thưởng cho biết, số lượng hồ sơ đề cử tại kỳ xét tặng Giải thưởng năm nay tăng gấp đôi so với mọi năm. Các hồ sơ được đề cử đều có chất lượng rất tốt, cho nên Hội đồng xét tặng Giải thưởng đã thảo luận rất kỹ để lựa chọn ra những công trình xuất sắc nhất, xứng đáng để trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024…
Theo Báo Nhân Dân