Ngày 14/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tổ chức cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên và Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh dự hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các ban Đảng của Trung ương; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh…
Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm trình bày dự thảo Chỉ thị.
Tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Cuộc vận động hiến đất để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trọng tâm là làm đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo nêu: Trong những năm qua, công tác vận động hiến đất để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trọng tâm là làm đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 45.572 hộ gia đình, cá nhân đã hiến 211,78ha đất (gồm 60,7ha đất ở và 151,08ha các loại đất khác), ước tính giá trị khoảng 2.427 tỷ đồng, để cải tạo, nâng cấp hàng nghìn km đường giao thông và nhiều công trình công cộng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế – xã hội.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị.
Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông xã, đường liên thôn, đường ngõ xóm, khu phố trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chiều rộng mặt đường chật hẹp, phương tiện đi lại khó khăn; có nơi đường không có rãnh thoát nước dẫn đến ngập lụt, mất an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền vận động Nhân dân hiến đất ở các địa phương chưa được thực hiện đồng bộ, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, chưa động viên, khuyến khích được người dân tình nguyện hiến đất. Nguồn kinh phí để hỗ trợ cải tạo chỉnh trang, xây dựng hoàn trả lại tường rào cho hộ gia đình hiến đất còn khó khăn, chưa được quan tâm bố trí. Việc đo đạc, chỉnh lý, đăng ký biến động quyền sử dụng đất cho người hiến đất gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà, chậm thực hiện, người dân phải nộp thêm khoản kinh phí đo đạc…
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có nội dung “Chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉnh trang khu vực nông thôn theo hướng văn minh, xanh, sạch, đẹp”, với điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước của tỉnh còn hạn chế, cần phải huy động các nguồn lực từ xã hội để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, mà trọng tâm là đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị. Đồng thời, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội trong tỉnh tổ chức “Cuộc vận động hiến đất để cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trọng tâm là làm đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh phát biểu tại hội nghị.
Cho ý kiến vào dự thảo Chỉ thị, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu lên những bài học kinh nghiệm trong quá trình vận động Nhân dân hiến đất xây dựng NTM, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị, đoàn thể vào cuộc, tạo nên phong trào Nhân dân hiến đất. Các đồng chí cũng đã dẫn chứng những cách làm hay trong triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất ở TP Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa…
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy phát biểu tại hội nghị.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Cùng với đó, nhiều ý kiến đề nghị khi người dân hiến đất, các sở, ngành chức năng cần hướng dẫn cấp ủy, chính quyền quan tâm làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình hiến đất; Chỉ thị cần làm rõ tiêu chí về đường làng, ngõ xóm, đường thôn, cụ thể mục tiêu phấn đấu theo giai đoạn.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao ý kiến của các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đóng góp vào dự thảo Chỉ thị; đồng thời nêu bật mục đích, ý nghĩa của việc vận động người dân hiến đất góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu tiêu đề: “Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cuộc vận động hiến đất để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng làm đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại trên địa bàn tỉnh”. Trong Chỉ thị cần phải có phần đánh giá những việc đã làm tốt về hiến đất trong thời gian qua, có số liệu để chứng minh và nêu lên các đơn vị, địa phương làm tốt.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại biểu dự hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Trong những năm qua, công tác vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Những kết quả trong quá trình vận động, tuyên truyền Nhân dân hiến đất trong xây dựng NTM và đầu tư xây dựng đường giao thông ở khu vực nông thôn và đô thị đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương của Nhân dân, qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội…
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nói chung, trong đó hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là các đường xã, thôn, ngõ xóm xây dựng đã lâu không có rãnh thoát nước, nền đường sụt lún, mặt đường xuống cấp, chiều rộng hẹp, đi lại khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu phát triển, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân trong điều kiện mới.
Trên cơ sở chỉ rõ những nội dung và tầm quan trọng của việc phải ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu trong quá trình xây dựng Chỉ thị cần phải nêu được vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện cuộc vận động. Đặc biệt, phải nêu được vai trò, ý nghĩa chính trị xã hội, nhân văn của Chỉ thị.
Trong Chỉ thị cần phải nêu rõ nội hàm công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận, sự hào hứng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trước hết là các hộ dân hiện nay đang sinh sống dọc các trục đường xã, thôn, xóm hiểu được lợi ích về của việc mở rộng đường giao thông. Nêu rõ tiêu chí phấn đấu mở rộng của từng loại đường xã, thôn, ngõ xóm… Và phải thể hiện được trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện.
Từ việc cho ý kiến bước đầu vào dự thảo Chỉ thị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng hoàn thiện dự thảo Chỉ thị và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 6/2024.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận cho ý kiến vào các nội dung theo chương trình hội nghị.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác gồm: Tờ trình xin ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Thanh Hóa quản lý; Tờ trình xin ý kiến về việc sửa đổi mức thu học phí từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 287/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh; Tờ trình xin ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình xin ý kiến về việc điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã dành thời gian cho ý kiến vào Báo cáo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Thanh Hóa; Báo cáo Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Về phương án và mức vận động thực hiện Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ còn khó khăn về nhà trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025; Báo cáo kết quả thẩm định Danh mục tên đề nghị sửa đổi, cập nhật, bổ sung vào Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; dự kiến tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và nhiều nội dung quan trọng khác.
Minh Hiếu