Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Hồng Nhuệ, huyện Hoằng Hóa là HTX đi đầu trong lĩnh vực liên kết đầu tư sản xuất luân canh các loại rau, củ, quả nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Để các sản phẩm tiêu thụ bền vững tại các chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh, HTX Hồng Nhuệ đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các trang trại trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm sau thu hoạch được vận chuyển vào phòng sơ chế làm sạch và đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, các sản phẩm rau, củ, qủa của HTX luôn đảm bảo về hình thức và chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng. Ngoài việc phát triển kênh bán hàng truyền thống thông qua các nhà phân phối và hệ thống bán lẻ trực tiếp, HTX đã chú trọng đến việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki hay mạng xã hội Facebook. Thông qua các nền tảng số, khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt mua sản phẩm rau, củ, quả của HTX nông nghiệp công nghệ cao Hồng Nhuệ. Nhờ đó, góp phần nâng doanh thu của HTX hàng năm đạt khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 10 lao động.
Bà Lê Thị Nhung, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tôi sẽ đầu tư hơn về chế biến sâu cho nông sản, đặc biệt là dòng sản phẩm khoai tây, để nâng cao giá trị, giá thành, ổn định cuộc sống của người dân cũng như chuỗi liên kết của mình”.
Còn đối với HTX cây trồng và vật nuôi Đồng Ngâu, huyện Thọ Xuân, trên cơ sở quỹ đất đã được HTX tích tụ tập trung ông Lê Viết Ngọc, Giám đốc HTX đã hình thành ý tưởng biến tiềm năng thành lợi thế, phát triển cây rau má thành sản phẩm thương mại có giá trị, hiệu quả kinh tế để phục vụ người tiêu dùng. Với quan niệm “Cây rau má sâm của người xứ Thanh”, ông đã cùng với các thành viên đã mở rộng diện tích trồng cây rau má lên 2ha. Với quy trình sản xuất bột rau má khép kín và được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Để sản phẩm đạt chất lượng HTX đã đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sấy lạnh vì nó có ưu điểm vượt trội là giữ được nguyên màu, mùi vị thơm ngon của rau má và điều quan trọng nhất là bảo toàn được hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Hiện nay, sản phẩm bột rau má Đồng Ngâu đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và đã được bán trên kênh tiêu thụ nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok, zalo…. Ngoài ra, HTX còn trồng và thử nghiệm làm thêm bột cần tây và đã được thị trường đón nhận, Đến nay, với 2 ha trồng rau má cho thu hoạch mỗi lứa khoảng 20 tấn rau má tươi, trung bình 30 – 35 ngày sẽ cho thu hoạch 1 lứa, mỗi tháng HTX bán ra thị trường trên 200 kg bột rau má và khoảng 100 kg cần tây.
Ông Lê Viết Ngọc, Giám đốc HTX cây trồng và vật nuôi Đồng Ngâu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tới đây tôi sẽ xây dựng một trang Facebook để bán hàng trên mạng, quảng bá sản phẩm được khắp cả nước”.
Với 32 sản phẩm OCOP trong đó 1 sản phẩm 4 sao và 31 sản phẩm 3 sao. Bước đầu, các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất OCOP trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Xây dựng trang web và từng bước đưa sản phẩm lên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm… Bên cạnh đó, huyện Thọ Xuân cũng có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản phẩm OCOP, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Các hộ đã chú trọng đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại từ khâu sản xuất đến chế biến đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường như Bưởi Luận Văn, bánh gai Tứ Trụ, nem nướng, kẹo lạc, dưa kim hoàng hậu…Việc ứng dụng công nghệ số đã góp phần tạo nên thương hiệu, nâng cao chất lượng của sản phẩm, được thị trường nhìn nhận, đánh giá cao.
Ông Lê Hữu Lâm, Cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Sử dụng máy móc, mình thấy rất hiệu quả, năng suất cũng cao hơn”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Các hộ đã xây dựng các trang web riêng và đăng tải trên trang thông tin làng nghề của huyện Thọ Xuân”.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 464 sản phẩm OCOP của 325 chủ thể sản xuất. Trong đó, có 407 sản phẩm 3 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao, xếp thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện trong tỉnh, các sở, ngành, địa phương còn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, toàn bộ các sản phẩm OCOP đều thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đưa lên giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok. Việc quảng bá, xúc tiến thương mại điện tử đã góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu bán hàng. Ngoài ra, các sản phẩm ocop cũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc, giúp thuận tiện tra cứu, quy trình chế biến sản phẩm. Nhờ đó, mức độ tín nhiệm của khách hàng với sản phẩm được nâng lên rõ rệt.
Ông Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX Trúc Phượng, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: ” Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX cũng tôi đã đầu tư vào hệ thống dây chuyền tự động, tạo ra những sản phẩm tốt nhất để đưa ra thị trường”.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển các sản phẩm OCOP đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Thời gian tới, các cấp, ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng. Đây là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chuyển đổi hình thức từ bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử. Góp phần quan trọng tạo ra nhiều việc làm mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân, đưa các sản phẩm OCOP trở thành nhưng thương hiệu mạnh vươn tầm trong và ngoài nước.
Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 10/05/2024