Đối với ngành hàng xuất khẩu đến trên 90% như dệt may thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mở ra cơ hội rất lớn do được hưởng lợi nhiều từ các dòng thuế về 0%. Đây cũng là nhóm ngành hàng chủ lực, chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được hưởng lợi ích từ các FTA khi đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị kỹ cho việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của đối tác, đồng thời tăng cường liên kết, sử dụng sản phẩm theo chuỗi để chuẩn bị cho các đơn hàng đi thị trường có các hiệp định thương mại tự do được tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Đô, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Daehan Global Thanh Hóa cho biết: “Yêu cầu của khách hàng, đối tác càng ngày càng cao, pháp luật cũng càng ngày càng khắt khe hơn như: điều kiện làm việc, điều kiện trả lương, các điều kiện về mặt vệ sinh, kỹ thuật… Con đường tốt nhất của doanh nghiệp là phải tuân thủ, muốn tuân thủ thì phải đầu tư”.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 212 doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng hóa xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa sang 68 thị trường trên thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá là may mặc, giày dép, thuỷ sản, xi măng, dăm gỗ, các sản phẩm sau lọc dầu…
Để tận dụng tốt độ phủ của các thị trường có FTA, các doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa cần nắm rõ lợi ích đạt được của từng thị trường, đặc biệt là những quy định về biểu phí, luật lệ, quy tắc xuất xứ. Cùng với đó, cải tiến bộ máy sản xuất, đầu tư chất lượng sản phẩm, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.
Nguồn: Bản tin Thời sự 16h/TTV