Là người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên khi xuất ngũ trở về cuộc sống đời thường, dù bị thương tật với tỷ lệ là 38% nhưng CCB Trịnh Xuân Lâm luôn mong muốn được góp một phần sức lực và trí tuệ của mình vào sự phát triển kinh tế – xã hội của quê hương.
Sau khi xuất ngũ trở về, ông Trịnh Xuân Lâm đã đảm nhận vai trò là Đội trưởng Đội sản xuất, Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp tại địa phương. Với quyết tâm làm giàu phát triển kinh tế và đóng góp cho xã hội, năm 1997, ông Lâm đã quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn với số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 500 triệu đồng cùng 10 nhân viên. Nhờ năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường, doanh nghiệp do ông làm chủ đã ngày càng phát triển. Từ một công ty nhỏ, Công ty TNHH Tiên Sơn đã chuyển đổi thành Tổng công ty và năm 2022 chuyển đổi thành mô hình tập đoàn. Tiên Sơn hôm nay đã vươn lên trở thành “ông lớn” của ngành dệt may Thanh Hóa với 13 nhà máy may xuất khẩu tại các huyện nông thôn, miền núi của tỉnh với tổng trị giá trị đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là người thân của CCB, gia đình có công với cách mạng với mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, tập đoàn có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, các sản phẩm dệt may của tập đoàn được xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu như: Mỹ, EU… Đặc biệt tháng 3-2021, Tập đoàn Tiên Sơn là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh, mã chứng khoán là AAT với vốn điều lệ hiện tại trên 700 tỷ đồng.
Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sau khi rời quân ngũ, thấy con cháu trong gia đình, đặc biệt con cháu CCB không có việc làm phải vào Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm nên tôi rất là khao khát tạo việc làm cho nhiều lao động ngay trên chính quê hương mình. Vì thế, tôi đã dấn thân vào doanh nghiệp. Cho nên tôi đã mua công ty may 40 Hà Nội tại Thị xã Bỉm Sơn. Sau đó, chúng tôi có những đơn hàng, tạo việc làm cho nhiều lao động; đồng thời đóng góp 1 phần vào ngân sách Nhà nước và an sinh xã hội”.
Ông Vũ Văn Thành, Giám đốc điều hành Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa cho biết thêm: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đến năm 2006, duyên kỳ ngộ, tôi được về làm cùng Tiên Sơn. Làm cùng chủ tịch Lâm, tôi học hỏi được rất là nhiều; làm việc tại tập đoàn phát triển và bản thân rất yên tâm công tác”.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất học Hoằng Hóa, lại có 4 năm làm quân y tại Trạm xá Sư đoàn 384 thuộc Binh đoàn 12 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn), CCB Doãn Thị Lịch đã được tôi luyện ý chí, bản lĩnh của người lính bộ đội cụ Hồ. Sau hàng chục năm gắn bó với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và vận tải, từ năm 2004, CCB Doãn Thị Lịch quyết định chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực giáo dục. Trên diện tích 2,5ha, bà đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng Trường THPT Hoằng Hóa – ngôi trường tư thục đầu tiên trên đất Hoằng Hóa. Năm 2010, trường học chính thức được hoàn thành và đón 200 học sinh của khóa học đầu tiên. Trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, nhà trường hiện có 50 cán bộ, giáo viên và 25 lớp học với gần 1.200 học sinh. Từ mái trường này, gần 3.000 học sinh thuộc các xã vùng biển Hoằng Hóa đã tốt nghiệp ra trường, đang công tác, lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Ngoài ra, CCB Doãn Thị Lịch còn đầu tư xây dựng Trường trung cấp nghề kinh tế – kỹ thuật Thanh Lịch; liên kết với các trường Cao đẳng Hàng Hải 1 Hải Phòng, Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc phòng, Trung cấp nghề thương mại – du lịch Thanh Hóa đào tạo các nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, như: Chế biến món ăn, điều khiển tàu biển, sửa chữa máy móc và kế toán. Từ đó, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các doanh nghiệp, ngành du lịch tại huyện Hoằng Hóa nói riêng và Thanh Hóa nói chung.
CCB Doãn Thị Lịch, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thạch – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Hoằng Hóa và Trường trung cấp nghề kinh tế – kỹ thuật Thanh Lịch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ về thế hệ trẻ. Tôi quyết định đầu tư ngôi trường tư thục đầu tiên ở Hoằng Hóa để cho nhiều được học hành đến nơi, đến chốn. Sau THCS, nhiều cháu không đầu vào công lập có thể vào trường học. 5 năm liền trường tôi có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT 100%. Nhiều cháu đạt từ 21- 26.5 điểm thi đại học. Cùng với dạy chữ, tôi thành lập trường nghề để dạy nghề cho các cháu. Năm tới, tôi sẽ mở rộng trường trung cấp nghề”.
Cô Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Cô Lịch là CCB, lại là người Hoằng Hóa, cô trăn trở với việc học của các em ở các xã vùng biển. Vì thế, cô đã xây dựng 2 trường học là Trường THPT và Trường trung cấp nghề, để các em học sinh không đậu cấp 3 công lập vẫn được đến trường học hoặc học nghề. Trong đó, trường nghề có dạy một số ngành nghề. Sự xuất hiện 2 ngôi trường giúp cho con em 8 xã vùng biển có cơ hội đi học, cho phụ huynh yên tâm đi làm; nhiều em có điều kiện được học nghề để đi làm”.
Hiện nay, Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa đang có gần 490 hội viên tham gia sinh hoạt. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, các doanh nhân CCB đã năng động, sáng tạo, thực hiện tốt phương châm “3 giữ, 1 chống, 1 tìm” (giữ được lao động, giữ được thị trường, giữ được dòng tiền; chống dịch thành công và tìm kiếm thị trường mới) để duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu của các doanh nhân CCB trong toàn hiệp hội ước đạt 78.822 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước gần 820 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 42.600 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 6,5 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trịnh Xuân Tấn, Giám đốc Công ty thương mại Thiệu Yên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Xác định làm giàu và vươn lên trên mảnh đất quê hương. Hiện nay, công ty phát triển tốt, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Mảng chính là kinh doanh phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp cho tỉnh; có 4- 5 cửa hàng xe máy, có cửa hàng ô tô. Mình còn sức là còn phục vụ cho xã hội, đất nước phát triển”.
Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Hiệp hội Doanh nhân CCB bao gồm những người được rèn luyện trong quân đội nhân dân Việt Nam. Dù khó khăn đến đâu họ vẫn quyết tâm đi lên. Các đồng chí luôn gương mẫu đầu tàu trong an sinh xã hội trên địa bàn”.
Trong bối cảnh kinh tế, thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những CCB là doanh nhân vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người lính bộ đội cụ Hồ là “Trung thành- Đoàn kết- Gương mẫu- Đổi mới”, tích cực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tham gia công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa…góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.
Nguồn: Bản tin Doanh nghiệp doanh nhân ngày 05/5/2024