“Ôi, núi sông tươi đẹp, tiếng anh linh sâu xa. Tương lai rồi sẽ theo dấu vết ấy mà ra (…). Mong tấc đất giang sơn này, mãi mãi xếp vào hàng danh hương”! Đó là lời cảm khái của Đệ nhị giáp Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền dưới triều Nguyễn, khi nói về mảnh đất trọng địa xứ Thanh.
Di sản Thành Nhà Hồ.
Có một nhận định khá thú vị rằng, tinh anh của đất trời tạo ra núi sông dù đẹp đến đâu cũng trở nên vô nghĩa, khi con người ta không nhìn thấy vẻ đẹp, giá trị và sở hữu nó. Phải chăng vì thế mà người xưa thường hay “tức cảnh sinh tình”, cũng là bởi cảnh sắc thiên nhiên có thể mang đến cho tâm hồn những xúc cảm sâu xa, thôi thúc sự sáng tạo để câu chữ trào lên đầu ngọn bút mà “giải phóng” những rung động mãnh liệt? Nhưng suy cho cùng thì, để cho tâm hồn thi nhân có thể rung cảm mà “tức cảnh” thì cảnh ấy nếu không phải chốn “danh kỳ thủy tú”, thì cũng phải là nơi “khí thiêng hội tụ”.
Trong một lần trở về bái yết Sơn lăng, gặp cảnh “núi đồi khí trời ấm áp, hoa cỏ cảnh sắc mùa xuân” núi Long Hạm, Thiên Nam động chủ – Thánh tông Thuần hoàng đế đã “tức cảnh sinh tình” mà ngự đề: “Thúy vi hữu địa khả bồi hồi/ Vọng viễn đăng cao vũ trụ khôi/ Khước nhạ cáo thành phong ngọc kiểm/ Thù phi thất lộ nhập thiên nhai/ Nhàn vân mãn địa vô nhân tảo/ Hư thất lăng tiêu trấn nhật khai/ Yểu điệu giản cùng lâm tẩu ngoại/ Đặc yêu hoàng ốc thúy hoa lai” (dịch nghĩa: Cảnh đẹp bên sườn núi xanh khiến ta bồi hồi/ Lên cao nhìn ra xa thấy vũ trụ bao la/ Ngỡ khi xong việc niêm tráp ngọc/ Nào ngờ lạc bước đến thiên nhai/ Mây nhàn ngập đất không người quét/ Nhà trống sương giăng che nắng rọi/ Suối khe uốn lượn bên rừng vắng/ Riêng đón xe vàng vua đến thăm”.
Danh thắng khiến tâm hồn thi sĩ của vị Thiên Nam động chủ rung động, cảm thán, không nơi nào khác chính là Hàm Rồng – “mảnh đất rồng ngự”. Song, nhìn khắp dải đất xứ Thanh, không chỉ có vùng đất cổ huyền tích “Rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân thành”, mà còn có vô số cảnh đẹp sơn kỳ thủy tú, non cao mây trắng, thủy thiên nhất sắc, tiên cảnh bồng lai xa chốn bụi trần… Bởi vậy mà GS. Hoàng Xuân Hãn từng khẳng định: “Với núi sông thắng tích, cả nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hóa”! Đồng thời, Đệ nhị giáp Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền cũng không khỏi cảm thán: “Danh thắng núi sông là nơi gắn kết người và vật, trong khoảng tươi đẹp ấy, tiếng tăm lẫy lừng (…). Một phiến đá nơi Thúy Sơn, dựa mây mà trông về phương Nam. Núi Long trải dài ngàn thước, có núi Minh Châu ở phía trước. Có bút tích bài thơ của vua Thuần Hoàng còn rõ ràng nơi hang núi. Dãy núi Bồ Điền, gió mây mịt mù, in ngọn gió hùng phong của Lệ Hải Vương đến nay còn nhiều lời khen ngợi. Một phiến đá thành Tây Giai chống gió chịu mưa khiến cho người vừa có thể khóc vừa có thể vui ca. Núi Nưa xanh thắm, nẻo xa ngoài cõi trần thế, thấy cảnh người tiều phu đọc sách, cảnh tiên ca ngâm, bỗng nhiên muốn vượt gió để bay lên. Ôi núi sông tươi đẹp, tiếng anh linh sâu xa. Tương lai rồi sẽ theo dấu vết ấy mà ra (…). Mong tấc đất giang sơn này, mãi mãi xếp vào hàng danh hương”.
Nằm trên dải đất hình chữ S mang “vẻ đẹp bất tận”, lại được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa hội tụ nhiều kỳ quan thiên nhiên và các giá trị lịch sử – văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt và riêng có cho vùng đất mang đậm dấu ấn thời gian, sự mãnh liệt và không ít huyền bí. Trải từ non cao đến biển cả, nơi nào cũng có những cảnh sắc khiến con người rung cảm. Đó là những đại ngàn hùng vĩ, những vực sâu trêu người – nơi thiên nhiên phô bày tất cả sức mạnh, quyền năng, giá trị, vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nó. Đó là đại dương bao la – khi dữ dội, lúc dịu êm – nằm dưới lớp vàng sóng sánh, ngọt ngào của ánh mặt trời và để mặc cho cảm xúc của con người vẽ lên những màu sắc tươi mới… Những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về sự hình thành của hình sông, thế núi vẫn còn khắc trên từng thớ đá, giăng mắc trên đại ngàn hùng vĩ, vẫn du dương trong thẳm sâu đại dương luôn gây kinh ngạc cho con người về sức mạnh vĩ đại của tự nhiên.
Bởi “khí thiêng chung đúc” từ ngàn xưa, đã lắng đọng lại nơi vùng đất này một bề dày trầm tích văn hóa vô cùng phong phú và giàu giá trị. Từ thuở hồng hoang, khi con người vừa khẳng định sự hiện diện của mình trên mặt đất, thì xứ Thanh đã lưu không ít dấu chân của người tối cổ. Đồng thời, phản ánh khát vọng sinh tồn mãnh liệt của cha ông ta, mà từ đó có thể thức dậy trong lòng mỗi người cảm thức tự hào và tinh thần ngợi ca mãnh liệt. Bởi, trên hành trình hàng nghìn năm đằng đẵng của con người trước nắng – mưa, sáng – tối, lở – bồi và những bí ẩn đáng sợ của tự nhiên, để xây dựng nên xã hội loài người, Thanh Hóa đã “tận hiến” cho dân tộc nhiều nền văn minh, văn hóa dọc đôi bờ sông Mã. Di chỉ núi Đọ – nơi “chứng kiến cuộc đấu tranh gay go, ác liệt của tổ tiên chúng ta với mọi trở lực của thiên nhiên”, hay nơi “chứng kiến những mầm mống đầu tiên của tài năng và sự sáng tạo của con người”. Văn hóa Đông Sơn – một minh chứng sống động về khả năng làm chủ đồng bằng của người Việt cổ ở Thanh Hóa. Để rồi, từ núi Đọ đến Đông Sơn, dân tộc đã đi từ nền văn minh sơ khai đến một trong những đỉnh cao rực rỡ nhất của văn minh người Việt cổ. Nói một cách đầy hình ảnh thì “từ đồ đá đến đồ đồng, từ vô thức đến ý thức là một quá trình vật vã bươn chải không ngưng nghỉ của khát vọng bay lên, là chiều sâu văn hóa tầng tầng lớp lớp của các thế hệ người tỏa xuống”.
Lễ hội Đền Bà Triệu.
Dấu tích minh chứng cho bề dày văn hóa vùng đất xứ Thanh có lẽ được phản ánh sinh động nhất qua những di sản vật thể. Từ những chân tảng đá nằm trơ trọi giữa cỏ lau như minh chứng về một giai đoạn suy tàn của “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, đến nay, “kinh đô tưởng niệm” Lam Kinh đã hồi sinh diện mạo vốn có và trở thành điểm đến lịch sử – văn hóa không thể bỏ qua khi về với xứ Thanh. Hay Thành Nhà Hồ ví như “bản thông điệp được vật chất hóa của ông cha gửi lại cho các thế hệ” – một “thông điệp” rực rỡ nhất về một giai đoạn lịch sử đầy biến thiên, khi cha ông ta đã lấy mồ hôi, trí tuệ và cả máu xương mình đắp đổi nên. Di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh này từng lọt vào danh sách 21 di sản thế giới đẹp nhất (do trang CNN uy tín của Mỹ bình chọn và công bố năm 2015). Tòa thành đá hơn 600 năm tuổi – “một biểu tượng nổi bật đại diện cho phong cách mới của cung đình Đông Nam Á” – được đặt sánh ngang với những di sản thế giới đẹp nức tiếng bởi sự kỳ vĩ, tráng lệ, đầy bí ẩn như thủ đô Valletta (Malta), đền Angkor (Campuchia), cố đô Bagan (Myanmar), hay đồi Acropolis (Hy Lạp)… Chưa hết, nơi đây không một kỳ sơn thắng trạch nào mà không ẩn chứa một truyền thuyết huyền ảo. Đó là Mai An Tiêm với câu chuyện quả dưa hấu hay hành trình con người khai hoang phục hóa, đấu tranh để chinh phục và làm chủ tự nhiên. Đó còn là nơi “có đường lên tiên”, mà một lần lạc bước của chàng Từ Thức là qua một đời người. Đó còn là câu chuyện về nàng Bình Khương gieo mình vào đá mà tạc nên câu chuyện đẫm nước mắt nơi chân tường thành cổ…
“Thanh Hóa là vùng đất của đế vương đã trăm nghìn năm trở lại đây rồi. Nơi đây địa linh nhân kiệt, phong tục thuần mỹ tốt đẹp”. Bởi vậy nên từ thuở bình minh dựng nước, xứ Thanh đã sinh ra và dưỡng nuôi nhiều anh hùng hào kiệt mà tên tuổi và chiến công còn tạc vào sử sách và lưu danh mãi ngàn năm. Đó là khát vọng “cưỡi gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông” của bậc anh hùng trong giới nữ Triệu Thị Trinh với cuộc khởi nghĩa từng khiến toàn cõi Giao Châu chấn động. Đó là Điện tiền chỉ huy sứ, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã “tái hiện một Bạch Đằng giang, sáng tạo một ải Chi Lăng” mà mở đầu cho kỷ nguyên Đại Việt bách thắng phong kiến phương Bắc. Đó là cuộc khởi nghĩa kéo dài suốt 10 năm của Bình Định vương Lê Lợi, đã chấm dứt 2 thập kỷ quốc gia Đại Việt chìm trong uất nghẹn, tủi nhục dưới ách đô hộ tàn bạo, trời không dung đất không tha của nhà Minh; đồng thời, đặt nền móng cho sự ra đời vương triều hậu Lê thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc… Chưa hết, Thanh Hóa được lịch sử ghi nhận là đất thang mộc, là quê hương, nơi phát tích của nhà Lê, chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Các triều đại Lê, Trịnh, Nguyễn đã ghi dấu ấn rất sâu đậm trong tiến trình lịch sử bảo tồn và phát triển quốc gia Đại Việt ngày một cường thịnh.
…
Xứ Thanh, “nơi có thiên nhiên đẹp nhất, cũng như giàu kỷ niệm lịch sử hay truyền thuyết nhất Đông Dương” (H. LeBreton), sẽ mãi là nơi níu giữ bước chân và tâm hồn những kẻ yêu cái đẹp. Để rồi, những tâm hồn dễ rung động trước cái đẹp ấy – ví như sợi dây đàn căng chặt mà chỉ cần một cái chạm nhẹ của xúc cảm – sẽ ngân lên những giai điệu bất tận của tình yêu xứ sở và khát vọng trường tồn cho dân tộc.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên