Tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm cao trong chỉ đạo tiếp tục bàn giao các khoảng néo (KN) còn lạicủa Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Theo đó, trước ngày 20/5, Thanh Hóa sẽ hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường; đồng thời phối hợp cùng chủ đầu tư, nhà thầu hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc. Đến trước ngày 30/5, Thanh Hóa sẽ bảo đảm toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến “sạch” và đủ điều kiện vận hành đường dây.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp giao ban.
Sáng 7/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì cuộc họp về giao ban Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan tham dự cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm và các sở, ngành, địa phương liên quan tham dự cuộc họp.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay, cả 4 dự án thành phần của Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1.177/1.177 (100%) vị trí móng cột và 377/503 (tương đương 75%) KN, còn 126/503 khoảng néo chưa bàn giao. Có 2 tỉnh đã hoàn thành bàn giao khoảng néo là Quảng Bình (10/10 KN), Ninh Bình (9/9 KN); 7 tỉnh chưa hoàn thành bàn giao khoảng néo là: Hà Tĩnh (còn 15/112 KN), Nghệ An (còn 29/88 KN), Thanh Hóa (còn 37/137 KN), Nam Định (còn 20/54 KN), Thái Bình (còn 10/47 KN), Hải Dương (còn 5/31 KN) và Hưng Yên (còn 5/14 KN).
Đại diện các sở, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa tham dự cuộc họp.
Ngoài những khó khăn liên quan tới giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện dự án còn gặp khó khăn liên quan tới cung ứng cột thép. Theo đó, 1.177 vị trí cột tương ứng khoảng gần 139.000 tấn thép cần sử dụng. Đến ngày 6/5, các nhà thầu đã bàn giao khối lượng cột thép cho 520/1.177 vị trí cột, còn 657/1.177 vị trí cột chưa bàn giao. Trong công tác thi công, hiện dự án mới hoàn thành đúc móng được 1.005/1.177 vị trí; hoàn thành lắp dựng 256/1.177 vị trí cột; đang lắp dựng 181/1.177 vị trí cột; hoàn thành kéo dây 6/503 KN.
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn báo cáo tại cuộc họp.
Theo EVN, khối lượng công việc còn khá lớn, thời gian gấp gáp, do đó rất cần sự vào cuộc thật quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương. Chủ đầu tư kiến nghị UBND các tỉnh khẩn trương xem xét có ý kiến về dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình chủ đầu tư tổng hợp, hoàn thiện, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; sớm phê duyệt phương án bồi thường phần mặt bằng móng cột và hàng lang an toàn để chủ đầu tư hoàn tất công tác bồi thường cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, đẩy nhanh bàn giao các KN còn lại để chủ đầu tư thực hiện công tác rải, kéo dây dẫn (dự kiến bắt đầu thực hiện từ ngày 10/5 sắp tới). Cùng với đó, chủ đầu tư cũng đề nghị UBND các địa phương tại các tỉnh khẩn trương kiểm kê, kiểm đếm, xác định số nhà/hộ dân phải di dời tái định cư và thực hiện các thủ tục tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo an toàn hành lang tuyến cho công tác đóng điện, vận hành công trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại cuộc họp.
Báo cáo tại phiên giao ban trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cho biết: Ngoài bàn giao toàn bộ diện tích phần móng cột, đến nay Thanh Hóa đã bàn giao 100/137 KN, đạt 73%. Với các phần diện tích đã thi công xong móng cột hiện đã bảo đảm điều kiện kéo dây. Tỉnh Thanh Hóa hiện đã phê duyệt mức hỗ trợ tiền thuê nhà và đã chỉ đạo các huyện, thị xã ngay ngày mai (8/5) phối hợp với các Ban Quản lý dự án bắt đầu chi trả; hoặc có phương án bố trí các nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập để hỗ trợ người dân về chỗ ở trong thời gian chờ đợi tái định cư.
Đại diện các sở, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hoá tham dự cuộc họp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm, tỉnh Thanh Hóa sẽ nỗ lực cao trong việc tiếp tục bàn giao các KN còn lại. Trong đó, tỉnh cam kết, trước ngày 20/5 sẽ hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường; đồng thời phối hợp cùng chủ đầu tư, nhà thầu hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc. Đến trước ngày 30/5, sẽ bảo đảm toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến “sạch” và đủ điều kiện vận hành đường dây.
Kết luận phiên họp giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các tỉnh chưa có ý kiến về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì trong ngày 8/5 cần hoàn thiện để chủ đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt làm căn cứ hoàn thành công tác GPMB. Về công tác thi công, chủ đầu tư tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ và đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ trong công tác bồi thường GPMB và công tác thi công, góp phần đảm bảo tiến độ dự án cũng như an toàn của đường dây sau khi đi vào vận hành.
Minh Hằng