“Những anh hùng liệt sĩ đã nằm lại trên chiến trường, đó là những chàng Phù Đổng của thời đại ngày nay. Lúc đã chiến thắng địch rồi thì bay lên trời. Nhưng chúng ta phải nhớ mãi. Phải nhớ như vậy để nêu gương và phải làm cho nước ta xứng đáng với sự hy sinh của bao nhiêu anh hùng liệt sĩ” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ là sự sẵn sàng vững vàng nhất cho tương lai dân tộc. (Trong ảnh: Học sinh đến thăm di tích lịch sử trên địa bàn TP Điện Biên Phủ).
Vốn nằm ở “vành đai bất ổn” hay vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực và trên thế giới, nên cũng dễ lý giải vì sao lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc tranh đấu chống ngoại xâm, giành, giữ quyền độc lập, tự quyết dân tộc. Đã có không ít câu hỏi rằng, “vì sao dân tộc Việt Nam, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế lạc hậu, lại có thể đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn hơn mình gấp nhiều lần?”. Câu trả lời đã được nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước đưa ra phân tích để tìm kiếm căn nguyên. Kết luận có thể có nhiều, nhưng tựu chung lại đó là bởi “Nhân dân Việt Nam nồng nàn yêu nước, đoàn kết một lòng, quyết đánh và quyết thắng, biết đánh và biết thắng, lại có sức mạnh hỗ trợ của thời đại. “Nước mất, nhà tan”, đạo lý ấy thấm sâu vào tình cảm và lý trí của các thế hệ người Việt Nam, từ đời này qua đời khác. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, mọi người Việt Nam đều đứng lên giữ nước, giữ nhà, bằng những cách đánh giặc thông minh và dũng cảm”. Đó là đúc kết của đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Nhiều học giả trên thế giới cũng đưa ra những nhận xét rất xác đáng về cội nguồn thắng lợi của dân tộc, của Nhân dân Việt Nam trước mọi kẻ thù. Rằng “Lịch sử của Nhân dân Việt Nam, trải qua hơn 1.000 năm đấu tranh quyết liệt chống sự bất công của những chế độ xã hội khác nhau, chống ách thống trị nước ngoài, đã rèn luyện nên tinh thần bất khuất của Nhân dân Việt Nam, nêu gương cho Nhân dân các nước đấu tranh giành tự do và giành quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Tiêu biểu cho tinh thần đó là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử” (trích lời đáp của Thứ trưởng Ngoại giao Cu-ba Héc-to Ro-đơ-ri-ghết Lom-pac, Trưởng Đoàn Đại biểu Chính phủ cách mạng nước Cộng hòa Cu-ba, sang thăm Việt Nam năm 1960).
Như một lẽ đương nhiên, những trang sử vẻ vang mà lớp lớp thế hệ con người Việt Nam hun đúc nên, đã phải đánh đổi bằng rất nhiều máu xương, hy sinh, gian khổ. Cho nên, truyền thống yêu nước nồng nàn của con người Việt Nam không chỉ là “ý trên mặt chữ”, mà đã thấm rất sâu thành truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, truyền thống ấy vốn được kế thừa và phát triển từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài, bền bĩ, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Trải từ Bà Trưng, Bà Triệu qua Đinh, Lý, Trần, Lê… truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường đã được hun đúc, trở thành “vô lượng lịch sử”, thành sức mạnh vô địch để các thế hệ con người Việt Nam có quyền ngưỡng vọng, tự hào, kế thừa và phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh, với nhiều thắng lợi vẻ vang mà chiến thắng Điện Biên Phủ là một đỉnh cao chói lọi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng bồi hồi khi về thăm chiến trường xưa: “Mỗi lần trở lại Điện Biên Phủ, tôi tới nghĩa trang liệt sĩ dưới chân Đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội đã nằm lại đây. Đứng trước rất nhiều ngôi mộ không có tên, tôi hình dung ra anh chiến sĩ trẻ tới chiến trường giữa trận đánh, chiến đấu bên những người đồng đội chưa kịp biết tên mình và mình cũng chưa kịp biết là đang ở đơn vị nào. Tiểu đoàn 23, đánh địch phản kích trên Sân bay Mường Thanh, đã ghi công đầu cho người chiến sĩ cắm lá cờ làm chuẩn cho pháo bắn chi viện giữa lúc địch tiến công dữ dội nhất, nhưng không một ai biết tên anh, cũng như anh ở đâu, còn hay mất! Chàng trai Phù Đổng từ thời xa xưa sau khi đánh thắng giặc Ân đã cưỡi ngựa về trời… Anh Bộ đội Cụ Hồ ra trận thời đó, từ bưng biền Nam Bộ, núi rừng Tây Nguyên, đèo mây Tây Bắc, đến những miền đất lạ Lào, Campuchia… chỉ có một ý nghĩ vô cùng trong sáng: phải góp phần cùng đồng đội, đồng bào, bạn bè có chung số phận giành lại độc lập, tự do”. Để rồi lời nhắn nhủ của Đại tướng, rằng “phải nhớ như vậy để nêu gương và phải làm cho nước ta xứng đáng với sự hy sinh của bao nhiêu anh hùng liệt sĩ”, cũng chính là biểu hiện của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời tốt đẹp của dân tộc ta.
Cũng bởi “dân tộc ta đã phải trả giá hơn một thế hệ những người con ưu tú nhất để xóa đi một vết nhơ của loài người là chủ nghĩa thực dân”, cho nên, thế hệ người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, không bao giờ được phép lãng quên quá khứ. Được nghe lời tâm sự của em Lê Nguyễn Mai Phương, học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn, tại buổi Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức hồi 4/2024, phần nào khiến những người chứng kiến – những người đã đổ máu, đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc – có thể yên tâm.
Mai Phương cho rằng: “Tiếp lửa từ chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, thế hệ trẻ ngày nay sẽ không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao giá trị của bản thân, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, xây dựng lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, phấn đấu trở thành những người công dân mẫu mực, có ích như lời nhắn nhủ của Bác Hồ trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tiếp bước bao thế hệ cha anh đi trước bằng trái tim nhiệt huyết đầy cháy bỏng và đam mê, chúng em sẽ luôn xung kích, nguyện phát huy sức trẻ của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống, từ những việc làm nhỏ nhất. Tuổi trẻ chúng em ý thức được rằng phải luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân để sống nhân ái và trách nhiệm, sống cống hiến và ý nghĩa, để xứng đáng với sự hy sinh, công lao to lớn của các thế hệ đi trước, xứng đáng là thế hệ tiếp nối truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng”.
Và rồi, suy cho cùng thì khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy tinh thần Điện Biên Phủ – tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ hôm nay, cũng chính là sự sẵn sàng vững vàng nhất cho tương lai tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bài và ảnh: Hoàng Xuân