Nếu Đoan Quận công Nguyễn Hoàng – người con của đất Gia Miêu xứ Thanh tiên phong đi mở cõi Tổ quốc về phương Nam thì con trai ông – Nguyễn Phúc Nguyên lại được ngợi ca là vị chúa của những “kỳ công mở cõi… thoát ly sự lệ thuộc với triều đình vua Lê chúa Trịnh”. Ông còn được người đời xưng tụng là chúa Sãi, chúa Phật bởi tấm lòng từ bi, bác ái.
Làng Gia Miêu xứ Thanh là đất quý hương của các chúa và vua nhà Nguyễn. Ảnh: Khánh Lộc
Sau khi quyết định vào đất phương Nam mở cõi – dựng nghiệp, ngoài việc tránh sự “kìm kẹp” của chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng cũng nuôi khát vọng có thể xây dựng cơ nghiệp của riêng mình. Dẫu vậy, trong tình hình lúc bấy giờ, dù đã Nam tiến song ông vẫn là tướng của triều Lê – Trịnh, vẫn phải cầm quân đi đánh dẹp các tàn dư nhà Mạc ngoài phía Bắc khi được điều động. Về phía triều đình Lê – Trịnh cũng phần nào biết được ý định của “con trai Nguyễn Kim” nên sau này đã tìm mọi cách giữ Nguyễn Hoàng ở lại đất Bắc. Dẫu vậy, năm 1600 nhân cơ hội dẫn quân đi đánh bọn phản loạn, ông đã theo đường biển trở về phương Nam, chính thức “thoát cũi sổ lồng”, không trở lại đất Bắc nữa.
Năm 1613, biết sức khỏe đã yếu, chúa Nguyễn Hoàng liền gọi con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên và các quan đại thần, người thân tín đến bên giường bệnh, dặn dò: “Ta với các ông đồng cam cộng khổ đã lâu, muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta để lại gánh nặng cho con ta, các ông nên đồng tâm giúp đỡ cho thành cơ nghiệp”. Rồi nhà chúa lại quay sang con trai Nguyễn Phúc Nguyên mà răn dạy: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; anh em trước hết phải thân yêu nhau. Mày mà giữ được lời dặn đó thì ta không ân hận gì”. Và trước khi trút hơi thở cuối cùng, chúa Nguyễn Hoàng lại trăn trối: “Đất Thuận – Quảng phía Bắc có núi Ngang (tức Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, đừng bỏ qua lời dặn của ta” (theo Đại Nam thực lục tiền biên).
Sau khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng qua đời, người con thứ 6 của ông là Nguyễn Phúc Nguyên lên kế nghiệp. Nguyễn Phúc Nguyên sinh năm 1563. Sử sách nhà Nguyễn và lưu truyền dân gian kể rằng, khi mẹ Nguyễn Phúc Nguyên mang thai ông, đã mộng thấy điềm báo lạ. Có vị thần nhân đưa cho bà tờ giấy có viết chữ “Phúc”. Khi tỉnh dậy, bà đem chuyện kể với mọi người thì được cho rằng đó là điềm báo may mắn và nhận được lời khuyên, khi đứa bé ra đời nên đặt tên là “Phúc”. Tuy nhiên, “Bà ngẫm nghĩ một lúc rồi nói rằng, nếu chỉ đặt tên “Phúc” cho đứa bé thì chỉ một mình nó hưởng, để cho nhiều người trong dòng họ được hưởng phúc, bà đề nghị lấy chữ này là chữ lót. Và khi Thế tử ra đời, bà đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. Họ Nguyễn từ đó về sau đều lấy chữ Phúc làm chữ lót là như thế. Cho nên năm Quý Hợi (1563) là năm khởi đầu chữ Phúc trong dòng họ Nguyễn tộc” (sách Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua).
Sau khi kế nghiệp, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã chuyển dinh thự từ đất Vũ Xương chật hẹp, địa thế trống trải vào Phước Yên, huyện Quảng Điền. Dinh thự mới kiên cố, thành cao, hào sâu, đề phòng kẻ địch tấn công. Về mặt nội trị, ông kế thừa đường lối của cha mình – lấy đức mà trị, vỗ về lòng dân, chiêu hiền đãi sĩ… tiếng lành truyền xa, hào kiệt khắp nơi tìm về với chúa Nguyễn mỗi ngày thêm đông. Nhờ đó mà nhà chúa đã gặp được Đào Duy Từ, một nhân tài xứ Thanh kiệt xuất thời bấy giờ.
Thực hiện di nguyện của cha là chúa Tiên Nguyễn Hoàng, sau khi kế nghiệp, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã hiện thực hóa mạnh mẽ khát vọng “thoát ly” khỏi chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài với hàng loạt động thái, như: Không nộp thuế, không về chầu triều đình… Đặc biệt, khi lên nắm quyền, ông cho bãi bỏ Đô ty, Thừa ty, Hiến ty theo thiết chế của nhà Lê. Thay vào đó, ông đặt ra các thiết chế riêng.
Cũng theo sử liệu, bản thân chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên vốn là người tài giỏi nhưng không kiêu ngạo, lại biết “chiêu hiền đãi sĩ”, quý trọng người tài nên ngoài Đào Duy Từ thì ông còn tập hợp được nhiều hiền nhân khác cùng giúp sức, như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến…
Đất phương Nam do chúa Nguyễn trấn giữ mỗi ngày thêm hùng mạnh cũng là mối lo cho các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Mượn cớ họ Nguyễn ở Đàng Trong chậm trễ trong việc nộp thuế, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã khởi binh đi “hỏi tội”. Trong đó, câu chuyện “Dư bất thụ sắc”- chúa Nguyễn Phúc Nguyên trả lại sắc chỉ cho vua Lê đến nay vẫn được lưu truyền. Việc trả lại sắc cho vua Lê là hành động dứt khoát, khẳng định khát vọng lập một “vùng trời riêng” của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Để xây dựng chính quyền vững mạnh cả về tiềm lực kinh tế và quân sự, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã mở rộng quan hệ giao thương với nước ngoài, thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, xây dựng Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất thời bấy giờ. Cùng với đó, nhà chúa cũng đẩy mạnh việc vượt núi, mở mang bờ cõi về phương Nam sâu hơn, rộng hơn. “Công cuộc mở cõi và định cõi Nam bộ thế kỷ XVII – XVIII là một kỳ công tuyệt vời của lịch sử Việt Nam, mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chỉ là người có công khai mở, đặt cơ sở ban đầu, mà còn hoạch định mục tiêu, phương thức và những biện pháp cụ thể, chuẩn xác cho các đời sau tiếp nối và thành công”.
Cơ nghiệp vững vàng, tấm lòng từ bi rộng mở, chúa Nguyễn Phúc Nguyên được quan lại, người thân tín mến phục, dân Đàng Trong kính trọng. Vì thế, ông thường được người đời tôn xưng gọi là chúa Sãi, chúa Phật.
Nhận xét về những đóng góp của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc trong bài viết Nguyễn Phúc Nguyên: Vị chúa của những kỳ công mở cõi đầu thế kỷ XVII: “Nguyễn Phúc Nguyên ngay từ nhỏ đã nổi tiếng là người thông minh, dũng lược. Năm 22 tuổi là tướng chỉ huy một đội thủy quân đánh thắng 5 chiếc tàu của ngoại bang đến cướp phá ở vùng Cửa Việt, được khen là bậc “anh kiệt”. Năm 40 tuổi được giao làm trấn thủ Quảng Nam, ông đã mở rộng giao lưu buôn bán với các nước phương Đông và phương Tây (đặc biệt là Nhật Bản), xây dựng Hội An thành cảng thị quốc tế phồn thịnh – mà ngày nay đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Năm 51 tuổi trở thành người đứng đầu chính quyền chúa Nguyễn, ông đã cải cách nền hành chính, phát triển đất nước về mọi mặt, mở mang lãnh thổ xuống tận Mô Xoài, Đồng Nan, Sài Gòn, Bến Nghé… thuộc miền Đông Nam bộ – khởi dựng hình hài lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Ông là người đầu tiên đặt ra đội Hoàng Sa đặc trách công việc khai thác và bảo vệ biển Đông từ tuyến ngoài – một hình thức độc đáo của quá trình khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền trên các vùng quần đảo giữa biển Đông. Dưới quan điểm sử học mới, càng ngày chúng ta càng nhận rõ hơn, đầy đủ và chân xác hơn bức chân dung hoàn hảo của ông…”.
Khánh Lộc
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Địa chí huyện Hà Trung; nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua; và một số bài viết của các nhà nghiên cứu).