Theo rà soát của Chi cục Kiểm lâm, hiện nay toàn tỉnh có trên 42.300ha rừng có nguy cơ cháy rất cao trong những ngày nắng nóng gay gắt.
Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Thạch Thành phát dọn thực bì, hạn chế vật liệu cháy dưới tán rừng thông tại xã Thành Long (Thạch Thành).
Ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết nắng nóng, cháy lan từ Lào sang (khu vực huyện Mường Lát là chủ yếu), thì yếu tố chủ quan do con người tác động cũng gây nhiều khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Trong đó, với gần 10.000ha rừng thông, tập trung chủ yếu ở thị xã Nghi Sơn, Như Thanh, Hà Trung, Hậu Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Đông Sơn, TP Thanh Hóa, có nguy cơ cháy cao. Riêng 5.000ha rừng thông do các chủ rừng Nhà nước quản lý đã được quan tâm phát dọn thực bì và đốt cháy trước dưới tán rừng thông để giảm vật liệu cháy. Gần 5.000ha còn lại do UBND các xã quản lý, giao cho các hộ bảo vệ, chăm sóc nhưng do chưa đủ điều kiện khai thác nhựa, không có nguồn thu và không có tiền công chăm sóc, bảo vệ nên các hộ chưa quan tâm phát dọn thực bì dưới tán rừng. Điển hình như nhiều khu rừng thông ở các xã: Yến Sơn (Hà Trung), Triệu Lộc, Tiến Lộc, Thành Lộc (Hậu Lộc),… lớp thảm thực bì, cành khô, lá rụng dưới tán rừng dày, nếu người dân dùng lửa bất cẩn, trong mùa cháy rừng sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào… Ngoài ra, do lá thông rụng phân hủy chậm dẫn đến thảm thực bì dày, lượng nước trong lá thông ít, thân cây lại có dầu kết hợp với ràng ràng, sim, mua, lau lách đang là mối lo cháy rừng trong những ngày thời tiết nắng nóng.
Để giữ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng và triển khai hiệu quả phương án PCCCR, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện CCR; xây dựng bản đồ tác chiến CCR cấp tỉnh, huyện. Từ tỉnh, đến huyện, xã, chủ rừng, đã chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần để CCR. Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu ban hành đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo và thành lập các đoàn kiểm tra công tác PCCCR tại các huyện trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ rừng (BVR), PCCCR tại cơ sở.
Các hạt kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với các khu du lịch, chủ rừng, ban quản lý các đền, phủ thực hiện tốt công tác PCCCR trên địa bàn. Chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVR, PCCCR. Trong mùa nắng nóng, nhất là thời điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, các hạt kiểm lâm đã chủ động bố trí lực lượng thường trực PCCCR; chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng chữa cháy rừng khi có yêu cầu. Phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm tra BVR; tuyên truyền để người dân, du khách ở các đền chùa, nơi thờ cúng tâm linh, các điểm du lịch, cắm trại,… sử dụng lửa đúng quy định, không bẻ cành, chặt phá cây rừng…
Đến cuối tháng 4/2024, 100% huyện trọng điểm đã xây dựng phương án quản lý BVR, PCCCR; kiện toàn 1.046 tổ BVR cơ sở với hơn 8.800 người tham gia, xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng CCR. Chi cục Kiểm lâm đã lắp đặt 11 trạm camera IP có độ phân giải cao dùng để chụp ảnh các khu rừng đáp ứng yêu cầu tự động phát hiện sớm các đám cháy rừng. Khi có cháy rừng xảy ra, hình ảnh đám cháy sẽ được truyền tải đến các thiết bị di động hoặc máy tính của người dùng, từ đó kịp thời xác định được vị trí, quy mô đám cháy để có biện pháp huy động lực lượng, phương tiện CCR hiệu quả.
Các hạt kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao và quản lý chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng. Trực PCCCR trên hệ thống camera quan sát lửa rừng và tại 53 điểm trực gác lửa rừng ở các khu rừng trọng điểm cháy khi dự báo cấp cháy rừng từ cấp III trở lên; làm mới và tu sửa trên 33km đường băng cản lửa.
4 tháng đầu năm, các hạt kiểm lâm đã phối hợp với chủ rừng, lực lượng chức năng các huyện đồng bằng ven biển xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông bằng biện pháp đốt trước có điều khiển được trên 65ha nhằm hạn chế nguy cơ gây cháy rừng. Qua kiểm tra đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, sau khi đốt trước đã làm giảm từ 70 – 85% vật liệu cháy, từ đó giảm nguy cơ cháy trong mùa nắng nóng.
Do triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp BVR, PCCCR nên đến thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững ổn định.
Tin và ảnh: Thu Hòa