Nguồn vốn đầu tư công của huyện Thường Xuân được giao giải ngân trong năm 2024 là 256,2 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn từ năm 2022 và năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024). Đến ngày 16/4/2024, huyện mới thực hiện giải ngân được 36,266 tỷ đồng (14,16%). Vì vậy, để hoàn thành giải ngân nguồn vốn trong năm 2024 như kế hoạch, huyện Thường Xuân đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Thi công đường hai đầu cầu Tổ Rồng.
Thời điểm này, dự án xây dựng cầu Tổ Rồng bắc qua sông Chu có tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng (bao gồm xây dựng cầu dài 0,212km và tuyến đường dài 2,4km) đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cầu đường Thanh Hóa – đơn vị thi công dự án này cho biết: Theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, do phải điều chỉnh hướng tuyến để phù hợp với điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Thường Xuân đến năm 2035 và kết nối đồng bộ hạ tầng với dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng nên dự kiến thời gian hoàn thành dự án vào năm 2024. Sau khi điều chỉnh thiết kế, dự án cần di dời hệ thống đường điện 35kV để có mặt bằng thi công, cần thời gian tối thiểu 60 ngày nên đã ảnh hưởng làm chậm tiến độ. Đến thời điểm này, công trình đã thực hiện đạt khối lượng khoảng 90%. Hiện đơn vị thi công đang phấn đấu sớm hoàn thiện 2 gói thầu số 6 và số 7, đảm bảo công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2024 như tinh thần Quyết định 1180/QĐ-UBND, ngày 23/3/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cầu Tổ Rồng.
Dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng, chiều dài 7,5km có điểm đầu tiếp giáp đường Hồ Chí Minh tại xã Xuân Phú (Thọ Xuân), điểm cuối tiếp giáp đường Xuân Cao đi xã Luận Thành tại địa phận xã Xuân Cao (Thường Xuân) là dự án giao thông quan trọng, kết nối huyện Thường Xuân với đường Hồ Chí Minh, Cảng Hàng không Thọ Xuân và vùng kinh tế động lực Lam Sơn – Sao Vàng. Ngay sau khi dự án được triển khai thi công tháng 1/2024, cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã đã vào cuộc tích cực, tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB). Đến thời điểm này, công tác GPMB tổng diện tích 19,25ha với 178 hộ và 2 tổ chức có đất bị ảnh hưởng thuộc địa bàn xã Xuân Cao đã cơ bản hoàn thành. Để tạo điều kiện cho đơn vị thi công, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân đã cho ứng số tiền 4,728 tỷ đồng (37%). Đơn vị đang phấn đấu sớm hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/4/2025, đúng vào dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030.
Được biết, nguồn vốn đầu tư công của huyện Thường Xuân được giao giải ngân trong năm 2024 là 256,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn năm 2024 là 155,073 tỷ đồng, nguồn vốn năm 2022 và năm 2023 được phép kéo dài sang năm 2024 là 101,127 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% nguồn vốn được giao trong năm 2024, ngay từ đầu năm huyện đã tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các biện pháp như: tháo gỡ kịp thời, đẩy nhanh tiến độ GPMB, nhất là với những dự án trọng điểm; thường xuyên đôn đốc, giám sát nhà thầu và các đơn vị liên quan về tiến độ dự án; không để xảy ra tình trạng tồn đọng vốn, tồn đọng hồ sơ giải ngân và quyết toán dự án… Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 16/4/2024, huyện mới thực hiện giải ngân được 36,266 tỷ đồng (14,16%), chưa đạt so với yêu cầu.
Lý giải về nguồn vốn giải ngân từ đầu năm đến nay chưa đạt so với yêu cầu của huyện, ông Ngô Văn Trường, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Thường Xuân cho rằng, do trong quá trình bồi thường GPMB, một số hộ dân chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường nên phải đối thoại, vận động nhiều lần dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân. Bên cạnh đó, các bước chuẩn bị thủ tục hồ sơ, từ khâu thẩm định đến phê duyệt về đất, phòng cháy chữa cháy… chiếm khá nhiều thời gian. Vì vậy, hoàn thiện hồ sơ dự án đưa ra đấu thầu thường chiếm tới 50% thời gian, còn lại, tập trung ở phần thi công dự án. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân trong năm 2024 như kế hoạch, huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công các dự án. Tăng cường sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các xã, thị trấn trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi công, nhất là các vướng mắc về mặt bằng thi công, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Định kỳ hằng tuần, huyện cho tổ chức họp giao ban giữa chủ đầu tư với đơn vị thi công, thường xuyên kiểm tra hiện trường thi công, đề nghị các đơn vị thi công tăng cường nhân lực, máy móc, trang thiết bị, chủ động nguồn vật liệu để tập trung thi công liên tục “3 ca, 4 kíp, 24/7” xuyên các ngày lễ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư từng dự án để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện bám sát tiến độ, đảm bảo hoàn thành trước kế hoạch hoặc đúng tiến độ đề ra.
Bài và ảnh: Minh Lý