Hỗ trợ phát triển những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, xây dựng những cụm bản kết nghĩa ân tình… là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào nói chung, hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực.
Cán bộ huyện Quan Sơn khảo sát để triển khai mô hình trồng lúa mùa khô tại huyện Viêng Xay.
Nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác như đã ký kết thỏa thuận. Những năm qua, huyện Quan Sơn đã triển khai nhiều việc làm ý nghĩa thiết thực, giúp huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân. Một trong những việc làm đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực đó là chuyển giao mô hình trồng lúa nước mùa khô. Để thực hiện được mô hình này, huyện Quan Sơn đã hỗ trợ 3.600kg lúa giống, 32.000kg phân bón được phân bố đều ở các vùng sản xuất, với 255 hộ dân tham gia, tại 12 bản của huyện Viêng Xay.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, đây là lần đầu tiên huyện triển khai hỗ trợ mô hình trồng lúa nước mùa khô, có quy mô trên 60ha cho huyện bạn nên gặp khó khăn, như: người dân chưa có kiến thức, kinh nghiệm sản xuất lúa mùa khô; mặc dù đã khảo sát nhưng chưa nắm rõ về điều kiện thổ nhưỡng, diễn biến thời tiết bất thường; các loại sâu bệnh hại phức tạp, trong khi chúng ta gặp khó khăn trong việc hỗ trợ trực tiếp về kỹ thuật do quy định về thông quan giữa hai nước… Thế nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo huyện, sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ nông nghiệp, mô hình đã được thực hiện thành công, đạt hiệu quả cao cả về diện tích và năng suất. Theo tính toán, vụ chiêm xuân năm 2023 đã đảm bảo được diện tích gieo cấy trên 60ha; về năng suất đạt từ 5,22 đến 5,58 tấn/ha (trung bình toàn huyện Viêng Xay đạt 5,4 tấn/ha, tương đương với năng suất trung bình vụ chiêm xuân 2023 của huyện Quan Sơn); về sản lượng đạt 324 tấn; về mùa vụ, gieo cấy đúng khung thời vụ và truyền thống sản xuất của nước bạn… Từ thành công trên đã được chính quyền và bà con Nhân dân huyện Viêng Xay ghi nhận và đánh giá rất cao…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sinh, theo truyền thống sản xuất của nước bạn, nhiều địa phương của huyện Viêng Xay trước đây chỉ sản xuất một vụ lúa/năm, còn lại người dân trồng các loại cây cho năng suất, hiệu quả thấp hoặc để đất bỏ hoang, gây lãng phí đất đai. Việc hỗ trợ bà con nông dân huyện Viêng Xay trồng lúa vào mùa khô đã góp phần thay đổi tập quán canh tác, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy kinh tế – xã hội, ổn định đời sống cho Nhân dân huyện bạn.
Được biết, ngoài hỗ trợ mô hình lúa nước mùa khô năm 2023, trong giai đoạn 2018-2022, huyện Quan Sơn đã hỗ trợ huyện Viêng Xay xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, như hỗ trợ xây dựng vườn cam, quy mô 1ha, trị giá trên 400 triệu đồng; hỗ trợ 400 triệu đồng để xây dựng chợ Viêng Xay; hỗ trợ nhân lực và thuốc phòng, chống dịch châu chấu hại tre luồng…
Huyện Mường Lát có đường biên giới giáp với hai huyện Sốp Bâu, Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; các hiệp định, quy chế biên giới, thời gian qua, huyện Mường Lát và hai huyện Viêng Xay, Sốp Bâu đã triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết. Các địa phương đã thành lập đoàn công tác sang thăm, làm việc và xúc tiến các chương trình hợp tác, như: xây dựng 7 cụm bản và 1 Đại đội biên phòng kết nghĩa với các bản giáp biên của huyện Mường Lát; duy trì chế độ giao ban đánh giá kết quả thực hiện các nội dung ký kết hợp tác về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khu vực biên giới; ngăn chặn các hành vi đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép; tham gia các sự kiện quan trọng của ba tỉnh; tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể thao cho Nhân dân các huyện, nhằm tăng cường sự hiểu biết về các giá trị văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ, tình đoàn kết hữu nghị…
Trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh Thanh Hóa có 16 xã, thị trấn, với 33 cụm bản của 5 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân nằm giáp với 10 cụm bản thuộc 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn, trải dài trên 213,6km. Xác định tầm quan trọng của khu vực biên giới, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc ký kết hợp tác toàn diện; kề vai sát cánh đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và bền vững lâu dài; triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế – xã hội của hai địa phương phát triển bền vững, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, đoàn kết hữu nghị đặc biệt Thanh Hóa- Hủa Phăn mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Bài và ảnh: Xuân Minh