Nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, các ngành có liên quan của tỉnh và các địa phương đang tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cán bộ Chi nhánh Thủy lợi Quảng Xương vận hành trạm bơm Quảng Trường 2 phục vụ sản xuất vụ xuân.
Qua theo dõi của ngành nông nghiệp, đến ngày 17/4, trên địa bàn tỉnh có 406/610 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường. Riêng 3 hồ chứa nước lớn là hồ Cửa Đạt (Thường Xuân) cao trình +88.64m (thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 21,36m, thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2023 là 1,04m); hồ Sông Mực (Như Thanh) cao trình +30.26m (thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 2,74m; thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2023 là 1,86m); hồ Yên Mỹ (Nông Cống) cao trình +16.30m (thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 4,06m, thấp hơn so với mực nước cùng kỳ năm 2023 là 0,81m).
Về xâm nhập mặn, độ mặn lúc 6 giờ ngày 17/4 trên sông Mã khu vực cống Thành Châu (Hoằng Hóa) 17%o; Sông Lèn khu vực trạm bơm Liên Lộc 2 (Hậu Lộc) 3,5%o… Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra, theo ông Cao Thế Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Quảng Xương: Do vùng sản xuất của huyện Quảng Xương ở cuối kênh Bắc và kênh B22 của hệ thống Bái Thượng nên rất khó khăn về nước tưới trong mùa khô hạn. Trong khi, đơn vị có nhiệm vụ phục vụ nước tưới và tiêu cho hơn 8.500ha lúa của huyện Quảng Xương và TP Sầm Sơn. Hằng năm, căn cứ vào khả năng nguồn nước, lịch gieo trồng của huyện Quảng Xương và TP Sầm Sơn, đơn vị chủ động điều hành lịch bơm nước tưới phục vụ sản xuất; các cụm, tổ và công nhân tưới phối hợp chặt chẽ với các xã tăng cường công tác kiểm tra công trình, đồng ruộng để dẫn nước tránh lãng phí nước. Đối với các trạm bơm vùng ảnh hưởng của triều cường, đơn vị chủ động bơm theo lịch thủy triều và tăng cường kiểm tra đề phòng nhiễm nước mặn. Cùng với đó, đơn vị giữ nước triệt để trên hệ thống các kênh tiêu. Lắp đặt bổ sung thêm một số dàn van, ổ khóa, cánh cống trên kênh Bắc, kênh B22 nhằm tránh bị rò rỉ và xâm nhập mặn.
Theo ngành nông nghiệp, hiện nay nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 3,25 tỷ m3 (chiếm 91,8% tổng nhu cầu sử dụng), dự báo đến năm 2025 là 3,179 tỷ m3 (chiếm 86,79% tổng nhu cầu sử dụng). Tuy nhiên, với đặc điểm phân bố nguồn nước không đều, nhu cầu sử dụng nước ngày tăng cả về chất lượng và số lượng, lượng nước trữ được từ các công trình thủy lợi, thủy điện chưa đáp ứng được so với nhu cầu. Thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng, các hồ, đập tích không đủ nước so với thiết kế, mực nước sông xuống thấp, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 13.300ha đến 17.200ha. Hằng năm, khi nắng nóng kéo dài trên diện rộng, mực nước sông xuống thấp, độ mặn 1%o vùng cửa sông, ven biển duy trì ở mức cao và lấn sâu vào nội địa từ 18 – 24km. Các trạm bơm không lấy được nước và nếu có lấy được nước thì thời gian lấy nước được ngắn khoảng từ 4 – 6 giờ, gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ sản xuất…
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức theo dõi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, chỉ đạo các địa phương, các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch cung cấp nước và lắp đặt bổ sung các máy bơm dầu dã chiến sẵn sàng bơm hỗ trợ chống hạn. Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam sông Mã thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3, các nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, Dốc Cáy để vận hành phát điện với lưu lượng, thời gian phù hợp nhu cầu dùng nước, đảm bảo tiết kiệm và duy trì mực nước thiết kế của các hệ thống Bái Thượng, kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với ngành điện đảm bảo ưu tiên nguồn điện cho các trạm bơm lớn, trạm bơm chịu ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn vận hành, nhất là các trạm bơm Hoằng Khánh (Hoằng Hóa), trạm bơm Châu Lộc, Đại Lộc và hệ thống cấp nước Đông kênh De (Hậu Lộc). Đồng thời, vận hành các trạm bơm khi mực nước cho phép và không nhiễm mặn, bơm trữ vào kênh tiêu và ruộng để đảm bảo đủ nguồn nước chống hạn…
Ngành nông nghiệp căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, xây dựng phương án vận hành đối với các trạm bơm khó khăn về nguồn nước, tránh tình trạng gây hạn vào thời kỳ đổ ải tập trung và thời kỳ khô hạn của vụ xuân kéo dài cho đến đầu vụ mùa. Các đơn vị tổ chức đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn; kiểm tra độ mặn để có kế hoạch lấy nước tưới phù hợp; ra quân làm thủy lợi mùa khô đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Bài và ảnh: Lê Hợi