Ông Viên Đình Sỹ, Chủ tàu TH 92929 ở phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn là một trong những chủ tàu được Ban quản lý cảng Lạch Hới lựa chọn thí điểm lắp đặt sử dụng Nhật ký điện tử. Chỉ cần mở phần mềm trên điện thoại di động để thao tác, tất cả các thông tin về vị trí khai thác, tọa độ tàu, sản lượng khai thác… được cập nhật tự động, lưu trữ trên hệ thống để khi tàu về bờ sẽ khai báo với ngành chức năng. Điều này sẽ giúp cho ông thuận lợi hơn trong những chuyến biển tới đây.
Ông Viên Đình Sỹ, Phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Nhật ký điện tử tôi cho là hợp lý, thuận tiện hơn. Trước mắt ngư dân không phải đi 2,3 chỗ trình báo nữa. Ghi nhật ký không phải ai cũng làm được, vì khó hơn, có anh ghi chép được, anh không ghi đầy đủ được, rồi lại gây khó khăn cho cả cán bộ làm trên cảng “.
Ông Lê Văn Hân, Quản lý Cảng các Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các công ty để lắp đặt nhật ký điện tử để bà con, rồi tập huấn cho bà con tthực hiện, nhằm kiểm soát tốt hơn sản lượng qua cảng, qua bến”.
Thanh Hóa hiện có trên 6.000 tàu cá, trong đó, tàu chiều dài từ 15 m trở lên (thuộc diện tham gia đánh bắt vùng khơi) là gần 1.100 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm của tỉnh đạt trên 130 nghìn tấn, riêng sản lượng từ tàu đánh vùng khơi chiếm trên 60%. Theo quy định, 100% sản lượng được khai thác từ tàu đánh bắt vùng khơi phải được giám sát truy suất nguồn gốc tại cảng thông qua báo cáo nhật ký từng chuyến khai thác. Đây cùng là một trong những yêu cầu bắt buộc để EC tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, như hạ tầng các cảng cá xuống cấp, điều kiện làm việc trên biển nghiệt khó đảm bảo cho việc ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác, ý thức ghi nộp nhật ký khai thác của ngư dân còn hạn chế…nên việc giám sát sản lượng tại các cảng cá còn thấp. Theo thống kê của Chi cục thủy sản Thanh Hóa, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng khai thác biển của tỉnh đạt trên 25.500 tấn. Trong đó, sản lượng được giám sát qua 3 cảng cá chỉ định gồm: cảng Hòa Lộc huyện Hậu Lộc, cảng cá Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn và cảng cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn chỉ đạt trên 1.400 tấn.
Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cho biết: “Hiện nay, các ban quản lý cảng đã và đang hướng dẫn ngư dân trong việc ghi chép nhật ký đảm bảo báo cáo sản lượng qua cảng một cách chính xác. Bên cạnh đó, chúng tôi đấu mối với Cục thủy sản, tập huấn, sử dụng nhật ký khai thác trong mọi điều kiện thời tiết cũng như điều kiện làm việc trên biển, để ngư dân có thể áp dụng rộng rãi“.
Trong đợt kiểm tra về chống khai thác IUU lần thứ 5 dự kiến vào tháng 6 tới đây, Đoàn thanh tra của EC sẽ tập trung vào vào việc khắc phục những khuyến nghị trước đó, như: công tác kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, việc giám sát, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác thông qua việc chi chép, thu nộp nhật ký khai thác tại các cảng cá… Do vậy, việc minh bạch hóa thông tin từ công tác quản lý tàu cá ra, vào cảng đến bốc dỡ hàng hóa, giám sát sản lượng tại cảng sẽ đảm bảo việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC đạt kết quả cao nhất.
Nguồn: Bản tin THNM/TTV