Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang đê điều ở các địa phương trong tỉnh được các cấp, ngành thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn đọng một số vi phạm hành lang đê điều chưa được xử lý dứt điểm, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão.
Công trình vi phạm hành lang đê sông Mã, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) chưa được xử lý triệt để.
Mặc dù bị các lực lượng chức năng có liên quan của tỉnh phát hiện và lập biên bản xử lý, nhưng đến nay hộ ông Đỗ Viết Lành, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) vẫn chưa tháo dỡ công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Trước đó, vào tháng 3/2021, qua tuần tra, kiểm soát của Hạt Quản lý đê Thọ Xuân đã phát hiện hộ ông Đỗ Viết Lành tự ý san lấp, xây móng nhà có kích thước 8x10m trong hành lang bảo vệ đê sông Chu. Trước thực trạng trên, Hạt Quản lý đê đã nhiều lần phối hợp với UBND xã Xuân Trường lập biên bản làm việc với hộ vi phạm yêu cầu tháo dỡ công trình và hoàn trả lại hiện trạng bãi sông. Ngày 15/3/2021, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 867/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều đối với hộ ông Đỗ Viết Lành và yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng bãi sông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được các ngành có liên quan và huyện Thọ Xuân xử lý dứt điểm.
Trên địa bàn TP Thanh Hóa hiện còn công trình vi phạm hành lang đê sông Mã của Công ty CP Đầu tư phát triển Lê Hoàng. Tháng 8/2022, Đội Kiểm tra quy tắc đô TP Thanh Hóa thực hiện kiểm tra và phát hiện Công ty CP Đầu tư phát triển Lê Hoàng phá dỡ nhà cũ, xây dựng nhà mới trên bãi bồi sông Mã, thuộc phường Đông Hải, với diện tích 52,5m2, dài 10,5m, rộng 5m, cao 3m mà không được cấp phép. UBND phường Đông Hải đã có Quyết định số 140/TB-UBND, ngày 8/8/2022 đình chỉ thi công công trình xây dựng; ngày 23/8/2022, Chi cục Thủy lợi có Văn bản số 738/CCTL-QLĐĐ gửi UBND TP Thanh Hóa chỉ đạo xử lý buộc doanh nghiệp khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Tuy niên, đến ngày 15/4/2024 vẫn chưa được UBND TP Thanh Hóa xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, từ năm 2018 đến tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai, như: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều; lấn chiếm lòng sông, bãi sông… Tất cả các vụ vi phạm về đê điều và phòng, chống thiên tai đều được các ngành có liên quan của tỉnh và địa phương tập trung xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4 vi phạm xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều ở các huyện Thọ Xuân, Hậu Lộc và TP Thanh Hóa chưa được xử lý, tồn đọng kéo dài.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều và Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và các văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm ngay từ khi mới phát sinh theo quy định của pháp luật, không để kéo dài, tồn đọng. Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật về đê điều. Cùng với đó, rà soát các vi phạm còn tồn đọng, chỉ đạo lập phương án xử lý nghiêm, dứt điểm đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Công an các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm xe quá khổ, quá tải trọng cho phép đi trên các tuyến đê. Yêu cầu các chủ mỏ, bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi ký cam kết không bán, xúc cát cho các xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sửa chữa các hư hỏng của đê do quá trình vận chuyển cát, sỏi gây ra.
Các địa phương có đê thường xuyên tổ chức phát quang mái đê, chân đê và thu dọn vật liệu, rác thải ra khỏi khu vực bảo vệ đê ở tất cả các tuyến đê trên địa bàn; hướng dẫn việc tập kết rác thải đúng nơi quy định; nghiêm cấm việc tập kết vật liệu và đổ rác thải trên mặt, mái, chân đê và trong hành lang bảo vệ đê. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai đến cộng đồng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình ven đê, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn công trình đê điều.
Bài và ảnh: Hải Đăng