Những ngày đầu tháng 3 (âm lịch), làng cổ Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) lại rộn ràng vào lễ hội Đền thờ Lê Hoàn – tưởng nhớ vị vua sáng lập nhà Tiền Lê trong lịch sử dân tộc. Về với lễ hội Đền vua Lê, du khách bày tỏ niềm kính ngưỡng trước uy danh vị vua có công “phá Tống, bình Chiêm” lưu danh sử sách, chiêm bái các di tích, công trình kiến trúc lịch sử văn hóa giàu giá trị. Và hòa mình vào không gian vùng đất cổ, “khám phá” những mỹ tục độc đáo…
Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa – du lịch – ẩm thực huyện Thọ Xuân thu hút đông đảo người dân, du khách về tham gia.
Là làng cổ, lại là đất “thang mộc” vua nhà Tiền Lê, dễ hiểu vì sao trên quê hương Trung Lập từ xa xưa đã hình thành nên nhiều mỹ tục độc đáo mang nét văn hóa – tín ngưỡng riêng, gắn liền với việc tưởng nhớ, thờ cúng vua Lê Đại Hành. Trong đó, chỉ riêng ẩm thực cũng mang trong mình nhiều chuyện kể thú vị.
Sau khi vua Lê Đại Hành qua đời, các triều đại phong kiến đã ban cho làng đất công điền dùng vào việc hương hỏa nhà vua. Trong số đất công điền, làng dành riêng một mẫu chia cho các giáp để trồng lúa nếp vàng, phục vụ việc tiến cốm. Tương truyền, khi còn là tướng theo Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn 12 sứ quân, trên đường đi đánh trận thì trong quân hết lương thực, lúa ngoài đồng đang xanh, Lê Hoàn đã cho gặt lúa xanh, rang lên, giã làm cốm, nhờ vậy mà quân sĩ có lương khô để ăn. Người làng Trung Lập về sau đã trồng lúa nếp “tiến cốm” để nhớ về tích xưa.
Khi bông lúa ngoài đồng đông mủ có thể làm cốm, các giáp trong làng sẽ lựa chọn những nam thanh, nữ tú thạo việc cày cấy ra đồng gặt lúa. Dưới sự hướng dẫn của các bô lão, lúa sau khi thu về được sàng sảy, rang, giã cẩn thận. Ngày giã cốm cả làng rộn vang tiếng chày cối, tiếng cười nói rôm rả… Cốm tiến vua có hai loại, cốm mọc và cốm mật. Sau khi tiến vua, cốm đã cúng được chia đều cho dân trong làng – gọi là “lộc vua”, người dân ai cũng lấy làm vui.
Cùng với cốm thì xôi nén cũng được xem là món ẩm thực liên quan đến những ngày vua dẫn quân đi đánh giặc. Tương truyền, khi xưa vua đi đánh giặc thường cho quân nắm cơm mang theo bên người, nấu một bữa ăn được cả ngày. Nương theo tích đó, người dân Trung Lập sau khi đồ chín gạo nếp cái hoa vàng sẽ đưa vào cối giã, đủ độ dẻo thì cho vào khuôn ép, rồi cắt ra thành từng lát, sau đó rắc đậu xanh giã nhuyễn lên mặt, gọi là xôi nén. Xôi nén làm theo cách này có thể để qua ngày mà không bị hỏng. Khi xưa, món xôi nén được làm vào những dịp đặc biệt như tết, lễ hội Đền vua Lê. Cùng với việc dâng cúng, xôi nén còn là món ăn đãi khách phương xa.
Nhắc đến lễ vật dâng cúng vua Lê Đại Hành ở Trung Lập thì không thể không nhắc đến bánh chưng nung. Vẫn từ những nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… nhưng bánh chưng nung được làm kỳ công hơn. Bánh chưng cúng vua được làm với kích thước to, dầy (mỗi cạnh 30cm, dầy 15cm). Để bánh chưng được xanh thì cùng với lá riềng, người dân còn giã lá ngăm (một loại lá có tại địa phương) sắc cùng gạo nếp trước khi gói bánh. Bánh chưng sau khi gói được xếp vào chum và nung trong thời gian dài. Thành phẩm bánh chưng nung phải chín rền đều, không sùi góc.
Việc nung bánh chưng cần đến sự kiên trì và kinh nghiệm. Bởi bánh được nung trong chum nên không thể đốt lửa lớn bằng các loại than củi thông thường – nhiệt độ cao sẽ làm vỡ chum. Thay vào đó, người ta dùng rơm khô cuộn thành nùn chắc, khi lửa cháy vào nùn rơm thì đổ trấu, mùn cưa lên trên, cứ như thế lửa cháy âm ỉ suốt đêm ngày, nên gọi là bánh chưng nung. Để nung bánh thành công thì cần có người trông bếp liên tục.
Có kinh nghiệm nhiều năm gói và nung bánh chưng trong lễ hội Đền thờ Lê Hoàn, ông Đỗ Huy Hiền, trưởng làng Trung Lập, tự hào: “Làm bánh chưng nung dễ mà khó, nhưng tưởng khó lại dễ. Nó khó với người không dụng tâm, thiếu kiên trì, không chỉ làm vỡ chum mà bánh có thể nhão ngoài sống trong. Nhưng lại dễ với người làm cẩn trọng, cứ theo kinh nghiệm cha ông truyền lại thì chắc chắn thành công. Tục làm bánh chưng nung ở Trung Lập có từ xa xưa, là vật phẩm đặc biệt dâng cúng vua Lê Đại Hành nhằm bày tỏ tấm lòng với vua… công phu là vậy nhưng thật may mắn, đến nay mỹ tục làm bánh chưng nung vẫn được người Trung Lập duy trì vào mỗi dịp tết, đặc biệt vào lễ hội Đền thờ Lê Hoàn”.
Cũng theo chia sẻ của trưởng làng Trung Lập, mỹ tục làm bánh chưng nung ngoài ý nghĩa dâng cúng vua Lê Đại Hành thì còn là dịp để người dân trong làng kết nối tình cảm, tăng lên sức mạnh đoàn kết. Cùng nhau làm bánh, cùng nhau xuyên ngày, thâu đêm thức trông nung bánh – kể cho nhau chuyện đất, chuyện làng; chuyện cậu bé Lê Hoàn từ thuở nghèo khó đến khi trở thành vị vua “phá Tống, bình Chiêm” khiến kẻ thù khiếp sợ… Không quá lời khi nói rằng, hàng trăm năm qua, truyền thống lịch sử, văn hóa của đất và người Trung Lập đã được “trao truyền” thông qua những kỳ làm bánh chưng nung.
Và nhắc đến ẩm thực trên đất vua Lê – làng Trung Lập, không thể không nhắc đến bánh răng bừa “tiến vua”. Đặc biệt chuyện kể về chiếc bánh răng bừa ở Trung Lập cũng “bắt đầu” từ tích “nhà vua đi cày” năm xưa. Sau khi lên ngôi vua, phá tan giặc Tống ở phương Bắc, bình Chiêm Thành ở phía Nam, vua Lê Đại Hành bắt tay xây dựng đất nước. Xác định tầm quan trọng nông nghiệp, nhà vua dành một phần lớn quốc khố để tập trung nạo vét kênh mương, phục vụ tưới tiêu… Và để khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp, vào dịp đầu xuân, nhà vua còn đích thân Tịch điền – cày ruộng.
Người dân Trung Lập tin rằng, bánh răng bừa có hình như chiếc răng bừa cày ruộng có nguồn gốc từ việc tưởng nhớ vua Lê Tịch điền năm xưa. Những chiếc bánh làm từ bột gạo tẻ ngon, cùng với mục nhĩ, thịt lợn, hành băm nhỏ, gói trong lá chuối, sau khi hấp lên có hương vị hấp dẫn, chinh phục thực khách. Lý giải về việc bánh răng bừa ở Trung Lập còn được gọi là bánh “tiến vua”, theo các cụ cao niên trong làng, bánh răng bừa khi xưa thường chỉ làm vào những dịp tết, lễ hội của làng, bánh được làm cẩn thận, người dân đem một phần ra Đền vua Lê để dâng cúng, nên có thể vì thế được gọi là bánh tiến vua?!
Ngày nay, từ một món ăn truyền thống, bánh răng bừa làng Trung Lập đã trở thành ẩm thực dân dã “hút khách” khắp xa gần. Người làng Trung Lập còn tự hào “khoe” rằng, tâm tình đất và người làng Trung Lập đã “gói” trong chiếc bánh răng bừa!
Đi qua thời gian với những thay đổi không ngừng của cuộc sống, đâu đó sự còn – mất của tục lễ xưa cũng là điều khó tránh khỏi. Nhưng thật may mắn, nhiều nét văn hóa ẩm thực đặc sắc – mỹ tục đẹp trên quê hương vua Lê Đại Hành vẫn được lưu giữ và phát triển. Về với lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa – du lịch – ẩm thực Thọ Xuân năm 2024 diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 9 tháng 3 (âm lịch), hòa mình trong không gian thiêng của lễ hội, du khách được trải nghiệm, khám phá những mỹ tục độc đáo, thưởng thức ẩm thực đặc sắc trên đất hai vua Thọ Xuân…
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: “Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn là một trong những ngôi đền cổ nhất tại Thanh Hóa với nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc được lưu giữ qua các triều đại phong kiến. Năm 2023, lễ hội Đền thờ Lê Hoàn đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhằm phát huy giá trị vật thể và phi vật thể của di sản, khi về với Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa – du lịch – ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2024, bên cạnh tham quan, dâng hương, chiêm bái, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa với các trò chơi, trò diễn dân gian như múa Xuân Phả; trải nghiệm làm bánh lá răng bừa, bánh gai và thưởng thức tại chỗ ẩm thực nổi tiếng của địa phương; trực tiếp quan sát quy trình làm bánh chưng nung – nét văn hóa độc đáo của Thọ Xuân… Các nghi thức tín ngưỡng, tâm linh và hoạt động văn hóa, du lịch, ẩm thực diễn ra dài ngày tạo nên một không gian lễ hội vui tươi, đậm đà bản sắc… Hy vọng, lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa – du lịch – ẩm thực Thọ Xuân sẽ tạo được sức lan tỏa, dần trở thành một “thói quen” đối với du khách gần xa, góp phần vào sự phát triển du lịch của huyện Thọ Xuân”.
Thu Trang