Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ này, nhiều năm qua, huyện Triệu Sơn đã chủ động triển khai công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu tại Dự án “Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Thanh Hóa”.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai tại bộ phận một cửa huyện Triệu Sơn.
Dự án “Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Thanh Hóa” được triển khai thực hiện theo Quyết định số 4013/QĐ-UBND ngày 11/12/2008 của UBND tỉnh và được điều chỉnh theo Quyết định số 2451/QĐ-UBND, ngày 2/8/2012 của UBND tỉnh. Ngay sau khi dự án được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết cho từng đơn vị xã, thị trấn được lựa chọn thực hiện. Tại huyện Triệu Sơn, thực hiện dự án này, năm 2013 có 36 xã, thị trấn (nay là 34 xã, thị trấn) được triển khai đo đạc, lập hồ sơ địa chính. Trưởng Phòng TN&MT huyện Triệu Sơn Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Để việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính ở các xã, thị trấn đạt hiệu quả cao, huyện đã chỉ đạo các địa phương, phòng chuyên môn căn cứ vào bản đồ địa chính đang sử dụng, các văn bản pháp quy có liên quan về địa giới hành chính xác định khu vực cần chỉnh lý. Cùng với đó, trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị người sử dụng đất cung cấp các giấy tờ liên quan đến thửa đất cùng người sử dụng đất lân cận xác định ranh giới đất. Kết quả đến năm 2015, 100% xã, thị trấn trong toàn huyện đã hoàn thành việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính và tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ gia đình.
Thực tế, để vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai việc tích hợp kết quả cấp giấy chứng nhận QSDĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do vậy trong quá trình thực hiện mục tiêu mà Dự án “Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Thanh Hóa” đề ra, huyện luôn gắn công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính với việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trong nhiệm vụ này, huyện yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Đất đai để người sử dụng đất hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm đăng ký đất đai. Đồng thời, tổ chức các đợt cao điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở mỗi địa phương. Qua thống kê, đến nay, số lượng giấy chứng nhận QSDĐ cấp trong toàn huyện đã đạt tỷ lệ 93,09% với tổng số 117.149 giấy. Tính riêng trong năm 2023, toàn huyện cấp được 6.806 giấy chứng nhận QSDĐ; trong đó cấp lần đầu 925 giấy chứng nhận, vượt 0,4% kế hoạch. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện cấp được 312 giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu với diện tích đã cấp là 15,24ha.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Phòng TN&MT huyện, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Đơn cử là việc khó xác định nghĩa vụ tài chính cho các hộ, nhất là đối với trường hợp đất trái thẩm quyền, đất nông trường (cũ) bàn giao. Một số xã, thị trấn chưa có sự chỉ đạo quyết liệt trong giải quyết các tồn đọng. Đặc biệt, ở một số địa phương vẫn còn những thửa đất khó cấp giấy chứng nhận với các lý do đất nhận chuyển nhượng QSDĐ không qua chính quyền; đất không có nguồn gốc rõ ràng; nội bộ gia đình tranh chấp…
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, huyện Triệu Sơn đã, đang thực hiện nhiều giải pháp như, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành pháp luật, tự giác kê khai, đăng ký đất đai theo quy định; xây dựng phương án giải quyết các thửa đất tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ… Cùng với đó, huyện đang đẩy mạnh thực hiện đo đạc bản đồ, kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất lâm nghiệp trên địa bàn 16 xã, thị trấn.
Bài và ảnh: Lê Phong