Mặc dù vẫn đang phải đối diện với khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan, song những dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp không chỉ cho thấy đà phục hồi của ngành kinh tế quan trọng này; mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Ngành may mặc Thanh Hóa đã đạt được bước phát triển tích cực trong những tháng đầu năm (công nhân Tổng Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn kiểm đếm, cấp phụ liệu phục vụ chuyền sản xuất).
Ấn tượng những con số tăng trưởng
Sau khi hoàn thành xuất sắc và vượt tiến độ bảo dưỡng lần đầu, trong những tháng đầu năm 2024, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã liên tục hoạt động vượt từ 15 – 20% công suất thiết kế. Nhờ sản lượng sản xuất và giá trị một số sản phẩm chính tăng trưởng cao như xăng RON 92 tăng 61%, xăng RON 95 tăng 19%, dầu Diesel tăng 35%… đã đưa tổng giá trị các sản phẩm sản xuất của nhà máy trong quý I đạt hơn 44.000 tỷ đồng, tăng tới 28,6%; giá trị doanh thu đạt 47.014 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với cùng kỳ.
Cùng với tăng công suất, hoạt động hiệu quả và tin cậy hơn, sau bảo dưỡng thành công, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã tiếp tục tập trung nghiên cứu và phát triển để cho ra mắt các sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Ngày 15/3 vừa qua, NSRP đã lần đầu tiên xuất bán thành công dòng sản phẩm dầu Diesel 10 ppm có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp ra thị trường. Đây là sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt nhất, mang lại hiệu suất vượt trội, cải thiện hiệu suất sử dụng nhiên liệu và giảm thiểu việc bảo trì động cơ, góp phần mang lại môi trường sạch và xanh hơn.
Ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc NSRP, cho biết: “Chúng tôi cũng tích hợp sâu rộng các giải pháp an toàn trong công tác quản trị doanh nghiệp (DN) và đảm bảo rằng, an toàn luôn là yếu tố cơ bản hàng đầu trong suốt quá trình hoạt động của công ty. Tính đến ngày 26/3 vừa qua, NSRP đã vượt mốc 15 triệu giờ công an toàn. Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu tiêu dùng của thị trường trong nước ngày càng thiếu hụt và phải nhập khẩu trong thời gian tới, đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động tối ưu, NSRP đang tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để tăng khả năng nâng công suất của nhà máy từ 15 đến 20% so với hiện nay”.
Cũng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, nhiều DN trong các lĩnh vực sản xuất điện, bao bì, xi măng… cũng đã có những tín hiệu phát triển tốt. Tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, nhờ sự tăng trưởng đột biến của một số sản phẩm là lợi thế đã đưa doanh thu của DN tăng 22%, lợi nhuận tăng 9% so với cùng kỳ. Theo đại diện DN này, đơn vị đang hướng tới tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất nhằm nâng cao giá trị gia tăng cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Để đạt được mục tiêu đó, DN đang tiếp tục nghiên cứu, tối ưu hóa các quy trình nhằm cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, tạo sự cạnh tranh tốt hơn về giá và tăng độ tin cậy trong tiến độ giao hàng. DN đang dự tính và triển khai đồng loạt các giải pháp về thị trường, quản trị để đưa tổng sản lượng hàng hóa đạt mức tăng trưởng 10% so với năm 2023.
Là lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, quý I/2024, hoạt động sản xuất của ngành dệt may Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn. Theo số liệu từ Sở Công Thương, sản lượng sản xuất ngành dệt may đã tăng 6,3%, xuất khẩu tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được, ngoài nhờ những nỗ lực, chủ động trong cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí hoạt động, nhiều DN cũng đã linh hoạt tìm kiếm, kết nối thị trường. Ông Trịnh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may, cho biết: “Đến thời điểm này, hầu hết các DN trong ngày đã có đủ đơn hàng sản xuất hết quý II. Một số DN đã có một phần và đang tăng tốc sản xuất, tìm kiếm đơn hàng mới, tạo đà cho tăng trưởng trong cả năm 2024”.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, trong quý I/2024, có tới 19/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, một số sản phẩm tăng mạnh như: đường kết tinh tăng 71,5%; điện sản xuất; giấy bìa các loại tăng 20,3%; các sản phẩm xăng, dầu cũng tăng cao… Cùng với đó, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống phát triển ổn định, sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Những kết quả tích cực đó đã tạo động lực, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 20% so với cùng kỳ.
Nỗ lực để bứt tốc
Tuy đã có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, nhưng sản xuất công nghiệp năm 2024 được nhận định là vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài nguyên nhân suy thoái kinh tế tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, từ cuối năm 2023 đến nay, các DN có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu đều đang chịu tác động do cước vận tải biển tăng cao khi xung đột ở Biển Đỏ xảy ra.
Sản xuất thiết bị thí nghiệm điện tại Công ty CP Điện lực Thanh Hóa (Khu công nghiệp Đình Hương – Tây Bắc Ga).
Tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, trong quý I, với hoạt động ổn định, tin cậy và an toàn, các chỉ tiêu sản xuất của nhà máy đều tăng trưởng cao, với sản lượng đạt hơn 1,98 tỷ kWh, tăng 30% so với cùng kỳ. Đại diện Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 cho biết, công ty đã xây dựng kế hoạch về nhập, dữ trữ than nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu huy động nguồn điện tối đa từ tâm Điều độ điện Quốc gia (A0). Trong cao điểm mùa nắng nóng sắp tới, nhà máy dự kiến phát sản lượng khoảng hơn 2,2 triệu kWh trong quý II và hơn 8 tỷ kWh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất và dân sinh.
Trong lĩnh vực may mặc, cùng với đa dạng hóa thị trường, nhiều DN cũng đã xây dựng chiến lược mới để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường toàn cầu. Ông Trần Ngọc Phiêu, Quản lý sản xuất Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise (Hoằng Hóa), cho biết: “Hiện công ty đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để đáp ứng các đơn hàng sản xuất. Chúng tôi cũng tiếp tục đầu tư vốn để nâng cấp, trang bị thêm các loại máy móc hiện đại, giúp tăng năng suất, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng về chất lượng và thẩm mỹ. DN phấn đấu sẽ tăng trưởng 10% so với năm ngoái và tiến thêm vào thị trường châu Âu”.
Đặc biệt, ngành may mặc Thanh Hóa cũng được dự báo có những tín hiệu tích cực khi có thêm các nhà máy cung cấp nguyên, phụ liệu trên địa bàn tỉnh đi vào sản xuất, giúp các DN trong tỉnh có thêm điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ đầu vào để hưởng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do. Điển hình như mới đây, tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn, sau hơn 20 tháng thi công, Dự án Nhà máy Công nghiệp SAB, thuộc Công ty TNHH Công nghiệp SAB Việt Nam đã chính thức khánh thành, đi vào hoạt động. Với tổng vốn đầu tư hơn 62 triệu USD, nhà máy chuyên sản xuất phụ kiện quần áo như dây khóa kéo, cúc nhựa, cúc kim loại… Việc đưa dự án đi vào hoạt động không chỉ tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương; mà còn giúp tỉnh Thanh Hóa có thêm sản phẩm công nghiệp mới phụ trợ cho ngành may mặc, giúp gia tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Theo Sở Công Thương, chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh đã có thêm 48 dự án công nghiệp được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cùng với sự chỉ đạo của cấp tỉnh, các sở, ngành, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các chủ đầu tư đã chủ động hoàn thiện các thủ tục, tập trung nguồn vốn, huy động máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nhờ vậy, đến nay một số dự án đã cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy sản xuất bóng đèn led và thiết bị điện tử của Công ty TNHH Hoa Thăng Thanh Hóa và Dự án sản xuất dây cáp điện ô tô của Công ty TNHH BOB (Triệu Sơn); các nhà máy của Tập đoàn Hoa Lợi tại nhiều địa phương và một số dự án dệt may.
Những tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp ngay từ đầu năm, cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm kỳ vọng sẽ đưa Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt từ 14,9% trở lên trong năm 2024.
Bài và ảnh: Minh Hằng
Bài 4: Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm.