Chiều 12/4, tại huyện Lang Chánh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Đề án “sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025”.
Toàn cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng; lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn các huyện miền núi trong diện thực hiện Đề án.
Các đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị.
Phấn đấu đến năm 2025 bố trí sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm và chỉ đạo sát sao đối với công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 590-KL/TU, ngày 8/9/2021; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4845/QĐ-UBND, ngày 01/12/2021 phê duyệt Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu khai mạc hội nghị.
Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025 bố trí sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 54 xã thuộc 9 huyện miền núi, theo 3 hình thức: Tái định cư (TĐC) xen ghép cho 1.122 hộ; TĐC liền kề cho 846 hộ/34 dự án và TĐC tập trung cho 878 hộ/17 dự án.
Để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 530/QĐ-UBND, ngày 29/01/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; ban hành Kế hoạch số 137/KH-BCĐ ngày 17/5/2022 về Kế hoạch thực hiện Đề án. UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành đoàn thể, chính quyền các địa phương và Nhân dân khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Các đại biểu dự hội nghị.
Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án, đã đạt được một số kết quả nổi bật, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ, khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian thực hiện Đề án không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn lại rất lớn. Để hoàn thành các mục tiêu của Đề án, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Vì vậy, tại hội nghị quan trọng này, đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị, từ thực tiễn công tác của mình, tập trung trí tuệ, thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng; nhất là đánh giá thật cụ thể, thực chất về tình hình triển khai, kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, bất cập, vướng mắc và nguyên nhân trong hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án; chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án. Đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của Đề án.
Báo Thanh Hóa điện tử tiếp tục cập nhật…
Phong Sắc