“Trận Điện Biên Phủ vĩ đại đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX; và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn)
Tướng Đờ-cát, người trực tiếp chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và Sở chỉ huy quân Pháp ra hàng – chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. (Hình ảnh được vẽ lại trên bức tranh Panorama, thuộc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ).
Với việc xây dựng tập đoàn cứ điểm hùng mạnh bậc nhất Đông Dương tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp xem đây là “một cái bẫy hay một cái máy nghiền, sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương”. Nắm vững ý đồ thu hút chủ lực ta lên để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta của thực dân Pháp, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết tâm phải tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, Nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch lịch sử này. Đến đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị mọi mặt đã hoàn thành.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt nhanh gọn 2 cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch là Him Lam và Độc Lập; làm tan rã thêm một tiểu đoàn địch và tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo. Ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp Sân bay Mường Thanh và giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính địch.
Tình hình chiến sự diễn ra căng thẳng và ác liệt ngoài sự tính toán của địch. Ngày 16/3/1954, chúng cho 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống tăng cường chi viện cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến ngày 30/3/1954, ta mở đợt tiến công thứ hai đánh đồng loạt các ngọn đồi phía Đông của phân khu trung tâm. Đánh vào khu Đông, ta tiêu diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các điểm cao quan trọng, củng cố từ trên đánh xuống, tạo thêm điều kiện chia cắt, bao vây, khống chế địch, chuyển sang tổng công kích tiêu diệt địch.
“So sánh lực lượng giữa ta và địch tại thời điểm tháng 3/1954: Về quân số, địch có 444.900 quân, ta có 238.000 quân; pháo binh, địch có 594 khẩu, ta có 80 khẩu; xe tăng – thiết giáp, địch có 10e+6d+10c, ta 0 chiếc; máy bay, địch có 580 chiếc, ta 0 chiếc; tàu chiến, địch có 391 chiếc, ta 0 chiếc”. |
Trước tình thế đó, thực dân Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương để tăng cường cho mặt trận Điện Biên Phủ. Đồng thời, đế quốc Mỹ tăng viện gấp cho Pháp 100 máy bay oanh tạc chiến đấu, 50 máy bay vận tải và cho Pháp mượn 29 máy bay C119 có cả người lái; lập cầu hàng không chở dù từ Nhật và Mỹ sang mặt trận Điện Biên Phủ. Đế quốc Mỹ còn đưa 2 tàu sân bay vào Vịnh Bắc Bộ diễn tập “đổ bộ ào ạt vào Đông Dương”.
Về phía ta, qua hai đợt chiến đấu, lực lượng không ngừng được củng cố. Bộ đội ta đã có những cố gắng phi thường, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công rực rỡ. Tuy vậy, do cuộc chiến đấu liên tục, kéo dài và ác liệt, khó khăn về cung cấp tiếp tế cũng tăng thêm, nên đã phát sinh tư tưởng tiêu cực, ngại thương vong, mệt mỏi. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, một đợt sinh hoạt chính trị được tiến hành sâu rộng từ các cấp ủy đến chi bộ, từ cán bộ đến chiến sĩ trong tất cả các đơn vị trên toàn mặt trận. Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực bị phê phán sâu sắc, tinh thần triệt để cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng được phát huy mạnh mẽ.
Trên cơ sở đợt chỉnh huấn đó, ngày 1/5/1954, ta mở đợt tiến công thứ ba, lần lượt đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía Đông và phía Tây, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch. Đến ngày 7/5/1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng Đờ-cát và toàn bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch; thu được 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng dầu, bắn rơi 62 máy bay các loại…
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi này đã góp phần quyết định làm phá sản Kế hoạch Na-va của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Đồng thời, là chiến thắng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp suốt 9 năm trường kỳ gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Điện Biên Phủ đã ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam, một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới.
Thắng lợi “chấn động địa cầu” đã khiến nhiều học giả nước ngoài phải thốt lên “Điện Biên Phủ là trận Van-my của các dân tộc da màu”; hay “Trên thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”.
Khi phân tích về nguyên nhân thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, tác giả của cuốn “Điện Biên Phủ – Một góc địa ngục” – Bernard B.Fall – cho rằng: “Theo Na-va, việc hy sinh các đơn vị bị vây hãm cho phép quân Pháp tranh thủ được thời gian và giành thắng lợi. Không nghi ngờ gì rằng nếu bài toán Điện Biên Phủ được đưa vào máy tính điện tử thì máy tính sẽ đưa ra lời giải đúng như của Na-va. Nhà lý luận quân sự này không hiểu rằng mất những đơn vị tinh nhuệ nhất của đoàn quân viễn chinh có nghĩa là tinh thần chiến đấu của chiến binh Đông Dương sẽ suy sụp và ý chí tiếp tục chiến tranh của chính quốc sẽ chẳng còn. Hiện tất cả những điều đó không giải thích được làm sao mà Na-va lại có thể đã từng có lúc cho rằng 9 tiểu đoàn bộ binh, trong đó chỉ có 3 là thực sự tinh nhuệ, có thể cầm cự được trong một tập đoàn cứ điểm xây dựng vội, chống lại cuộc tấn công của 3 đại đoàn Việt Minh có một sức mạnh hỏa lực chưa từng thấy ở Đông Dương”. Và rằng, “hình như điều mà Na-va và bộ tham mưu của ông ta định làm ở Điện Biên Phủ là biến nó thành một Nà Sản thứ hai, một Nà Sản quy mô lớn hơn, ở đó quân Pháp cuối cùng sẽ thắng do có ưu thế hỏa lực trên bộ và trên không. Đánh giá thấp khả năng cơ động chiến lược và hậu cần của Việt Minh như vậy hẳn là sai lầm thực sự và duy nhất Na-va phạm phải trong việc chuẩn bị chiến dịch mùa xuân năm 1954. Nhưng đó là một sai lầm chiến lược và hậu quả của nó cũng mang tính chiến lược”.
“Trong thời gian tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương (1945-1954), Cộng hòa Pháp có tới 20 đời thủ tướng bị đổ, 7 lần thay đổi cao ủy, 8 lần đổi tướng tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nước Pháp đã huy động một số lớn nhân lực và chiến phí: năm 1954 quân số Pháp – Ngụy lên tới 440.000 người, trong đó 72% là quân Ngụy; chiến phí của 9 năm chiến tranh lên tới gần 3.000 tỷ phrăng, trong đó viện trợ Mỹ chiếm khoảng 1.200 tỷ phrăng (tương đương 2,7 tỷ đôla). Riêng năm 1954, viện trợ Mỹ chiếm 73,9% chiến phí. Số quân Pháp chết, bị thương và bị bắt gần 600.000 người”. (Theo “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học”). |
Với lợi thế là tập đoàn cứ điểm hùng mạnh, thực dân Pháp đã tự tin vào “một cái kết đẹp” ở Điện Biên Phủ. Song sự tự tin ấy, cuối cùng đã phải trả một cái giá rất đắt, khi Điện Biên Phủ đã trở thành “một góc địa ngục” đối với họ. Chính Đờ-cát, người trực tiếp được giao chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã cay đắng nhận ra nguyên do thất bại, rằng: “Người ta có thể đánh thắng một quân đội, chứ không thể đánh thắng được một dân tộc”. Chiến thắng Điện Biên lẫy lừng sử sách và gây kinh ngạc cho loài người, là bản anh hùng ca về một trong những kỳ tích vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Thắng lợi ấy cũng là minh chứng hùng hồn và thuyết phục nhất cho chân lý thời đại Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và quyết tâm không gì ngăn cản nổi của dân tộc ta, Nhân dân ta “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”!.
Bài và ảnh: Lê Dung
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập III: Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc (1945-1954)”, NXB Chính trị quốc gia).