Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của quân đội Nhân dân Việt Nam ngạo nghễ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh: Tư Liệu
Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự kiện “… được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” – (Tổng Bí thư Lê Duẩn). Mốc son ấy đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; đồng thời, tạo cơ sở, điều kiện để toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân ta giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nói về những đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ, trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (năm 1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương lớn Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch toàn thắng. Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công; cùng với hàng vạn xe đạp thồ… vận chuyển 50% khối lượng lương thực phục vụ chiến dịch. Bên cạnh đó còn có hàng vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ…, trong số đó, nhiều người đã nằm lại mãi mãi với mảnh đất Điện Biên lịch sử.
Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, suốt thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thanh Hóa luôn quan tâm phát huy sức mạnh đoàn kết, nguồn lực con người, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ phát triển cao nhất cả nước. Riêng năm 2023, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có thể kể đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 7,01%; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 40 nghìn tỷ đồng. Với việc phát huy hiệu quả sức mạnh nội lực, tranh thủ tối đa thời cơ, sức mạnh ngoại lực, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân, Thanh Hóa đã và đang hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Hướng về Điện Biên, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm tỉnh Thanh Hóa đều tổ chức các đoàn công tác đến dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo Khu tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, phát động ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên…
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi qua 70 năm, nhưng hào khí của sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn sẽ còn vang vọng, trong đó có thanh âm hào hùng tiếp nối từ mạch nguồn mảnh đất và con người xứ Thanh.
Thanh Hóa