Giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu quan trọng để triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm nhằm góp phần tạo đột phá để thu hút đầu tư. Vì thế Đảng bộ huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB các dự án có sử dụng đất năm 2024.
Thường trực Huyện ủy Thọ Xuân kiểm tra, giám sát công tác GPMB tại xã Nam Giang.
Bám sát thực hiện các kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện Thọ Xuân về GPMB để thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2024; kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện khâu đột phá về công tác GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm 2024 huyện Thọ Xuân đã thực hiện đợt cao điểm 45 ngày đêm GPMB các dự án đầu tư có sử dụng đất đối với 10 dự án, tổng diện tích cần GPMB là 85,37ha. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 92,8 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến 45 ngày, đêm, từ ngày 15/3 đến 30/4/2024.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thọ Xuân Lê Ngọc Quân cho biết: “Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức ký cam kết tiến độ thực hiện GPMB giữa Chủ tịch UBND huyện với chủ tịch UBND các xã và doanh nghiệp thực hiện các dự án trên địa bàn”.
Cùng với đó, huyện cũng thành lập các tổ tuyên truyền để tăng cường thực hiện hiệu quả đợt cao điểm. Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân có đất bị thu hồi trên địa bàn, đặc biệt là phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân sớm nhận kinh phí bồi thường, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án theo tiến độ đề ra.
Góp phần cùng với Đảng bộ huyện thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá của Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; đồng thời nhằm phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chí từ xã lên phường, năm 2024 xã Xuân Lai thực hiện GPMB khu dân cư Xuân Lai giai đoạn 2 với tổng diện tích 9ha, gồm 98 hộ trong diện có đất thu hồi.
Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, cấp ủy, chính quyền các xã đã chủ động phối hợp với Hội đồng GPMB huyện, các ban, phòng, ngành chức năng tập trung thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu trong công tác GPMB. Tính đến ngày 28/3, dự án đã hoàn thành các bước tổ chức ký cam kết GPMB với các hộ dân và tiến hành đo đạc, kiểm kê; xét nguồn gốc đất cũng như công khai phương án bồi thường đối với 95 hộ; đã chi trả diện tích 7,33/89 hộ với số tiền 8,3 tỷ đồng.
Thị trấn Sao Vàng là địa phương nằm trong khu đô thị Lam Sơn – Sao Vàng (một trong bốn cụm kinh tế động lực của tỉnh). Năm 2024 thị trấn có dự án đầu tư khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng (giai đoạn 2, 3) tổng diện tích 220,93ha, có diện tích cần GPMB là 37 ha. Đến ngày 28/3 thị trấn đã hoàn thành các bước tổ chức ký cam kết GPMB với các hộ dân và tiến hành đo đạc, kiểm kê, xét nguồn gốc đất 37/37ha, đồng thời công khai phương án bồi thường GPMB. Về kinh phí GPMB, nhà đầu tư đã chuyển 10 tỷ đồng. UBND huyện cũng đã có công văn đề nghị nhà đầu tư chuyển kinh phí thực hiện công tác GPMB với số tiền 20 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND huyện, tính đến ngày 28/3 đã triển khai các bước thu hồi đất 10/10 dự án. Trong đó, đã quy hoạch, đo đạc, kiểm kê 87,96ha, lập phương án bồi thường 79,73ha; đã hoàn thành công tác GPMB 24,92ha, đạt 29,19% kế hoạch.
Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân Lê Đình Hải cho biết: “Bám sát kế hoạch đề ra, công tác GPMB các dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn đã đạt kết quả tích cực. Các cấp ủy, chính quyền đã xác định rõ trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp, vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra. Việc thực hiện triển khai công tác GPMB đúng trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng chế độ, chính sách, đúng đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là vai trò của UBND xã, thị trấn trong việc xác định nguồn gốc đất đai làm cơ sở trong công tác bồi thường GPMB”.
Bài và ảnh: Lê Phượng