Để hàng hóa từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng phải kể đến vai trò của ngành dịch vụ bán lẻ, phân phối hàng hóa. Đây được coi là vị trí trung gian quan trọng, quyết định đến sự phát triển của cả thị trường hàng hóa. Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hạ tầng thương mại, trong đó tích cực thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đầu tư phát triển hệ thống phân phối, cung cấp hàng hóa cho người dân. Từ đó đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển tiêu dùng và cải thiện đời sống vật chất cho người dân.
Lượng hàng hóa tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa luôn đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương, hiện nay, toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 389 chợ và hơn 500 cửa hàng kinh doanh thương mại, thị trường phân phối hàng hóa đang ngày càng phát triển từ thành phố đến các huyện, thị xã trên địa bàn. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị, cửa hàng phân phối đã tạo sự chuyển biến tích cực cho thị trường bán lẻ, nhờ đó mức tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa tăng trung bình 16%/năm. Phần lớn các trung tâm thương mại, siêu thị đều được đầu tư xây dựng tập trung dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và các trục đường phố trung tâm. Đơn cử như các đơn vị phân phối hàng hóa lớn như: Winmart+, Thế giới di động, Điện máy XANH… ngoài địa bàn TP Thanh Hóa, các đơn vị cũng đã đẩy mạnh thị trường ở khu vực nông thôn với mong muốn mở rộng thị phần, đồng thời giúp khách hàng trải nghiệm không gian mua sắm hiện đại với nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, nhiều mức giá khác nhau phù hợp với từng điều kiện chi tiêu của người tiêu dùng.
Tại địa bàn miền núi hiện cũng đã có hệ thống Siêu thị Miền Tây của Công ty CP Tập đoàn Miền núi đầu tư, nhằm đảm bảo cho người dân tiếp cận được những mặt hàng mới và chất lượng. Theo Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Miền núi Nguyễn Thị Xuyến, với sứ mệnh đem những tiện ích mua sắm hiện đại đến với đồng bào khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, công ty đã đầu tư và xây dựng hệ thống Siêu thị Miền Tây tại 11 huyện miền núi, với nhiều cơ sở lớn nhỏ khác nhau. Các sản phẩm tại siêu thị chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao, được công ty ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với một số huyện đưa sản phẩm OCOP vào bày bán tại siêu thị…
Song song với các hình thức phân phối, bán lẻ thông thường, nhiều doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ trên địa bàn tỉnh cũng đang dần chuyển đổi và tiếp cận với phương thức bán hàng mới thông qua website, mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử. Xu hướng này không chỉ diễn ra ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, mà ngay cả những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thương nhân, tiểu thương… cũng đang áp dụng. Còn đối với người tiêu dùng, đây được xem là thói quen mua sắm mới, nhờ sự thuận tiện mà nó mang lại, từng bước hướng tới nền thương mại hiện đại. Để hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng phát triển, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại, phân phối, bán lẻ hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng trong tỉnh nhằm gia tăng thị phần phân phối hàng hóa; ưu tiên các siêu thị bán buôn, bán lẻ, các trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ dân sinh… Từng bước đa dạng hóa các phương thức phân phối như phát triển nhanh thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến… tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích thương nhân sử dụng website thương mại điện tử để cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, các đơn vị bán lẻ, phân phối cũng cần khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường có lợi thế, như loại hình siêu thị chuyên doanh và khai thác tốt tiềm năng của chợ truyền thống để bán lẻ. Tập trung phát triển các cửa hàng tiện ích theo chuỗi để phục vụ cho người dân tại từng khu vực dân cư khác nhau. Ngoài ra, cần liên kết chặt chẽ từ liên kết vùng đến liên kết sản xuất – phân phối, phân phối – phân phối, bán buôn – bán lẻ… để nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như nâng cao uy tín và mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Có như vậy, hệ thống phân phối hàng hóa mới phát triển một cách bền vững.
Bài và ảnh: Chi Phạm