Việc ứng dụng khoa học công nghệ để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hiện nay đang là xu hướng được nhiều công ty, doanh nghiệp lựa chọn. Đây được xem là bước đi tất yếu để mở rộng thị trường mới và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào Xứ Thanh tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Nếu như trước đây, việc quảng bá các sản phẩm mới chỉ được thực hiện trực tiếp tại các hội thảo, hội chợ giới thiệu sản phẩm, thì những năm gần đây, nhiều công ty, doanh nghiệp đã tận dụng các nền tảng số như zalo, facebook, youtube, tiktok, shopee… để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo khách hàng. Điển hình như, cửa hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào Xứ Thanh có địa chỉ tại 508, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) tổ chức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm được chiết xuất từ yến đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tú, giám đốc công ty, cho biết: “Tất cả các sản phẩm của công ty đều được dán tem truy xuất nguồn gốc để người dùng tiện tra cứu thông tin về sản phẩm. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, công ty đã phát triển đa dạng các sản phẩm có nguồn gốc từ yến phù hợp với nhiều độ tuổi, hay từng khẩu vị người dùng. Đồng thời, chú trọng đầu tư bao bì sản phẩm phong phú, sinh động. Hiện tại, công ty đã có 20 cơ sở và đại lý bán sản phẩm ở cả trong và ngoài tỉnh. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, các cơ sở đều đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như, facebook, tiktok, shopee, lazada, livestream trên nền tảng số và tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho du khách tại các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thành lập website, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, cung cấp đầy đủ thông tin về các sản phẩm và khách hàng có thể đặt hàng trực tuyến nhanh chóng, hiệu quả. Nhờ những cách làm sáng tạo, đa dạng trên nền tảng số, nên hiện nay công ty có mức tiêu thụ hàng nghìn sản phẩm/tháng”.
Tại thị trấn Quán Lào (Yên Định), bà Thiều Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Secret Life, cho biết: “Shopee, lazada, tiki… đã trở thành những cái tên quen thuộc đối với cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh hay người tiêu dùng. Mỗi người tiêu dùng khi muốn mua sản phẩm gì đó, họ có thói quen mở các ứng dụng mua sắm trên điện thoại để tìm kiếm sản phẩm, thay vì trực tiếp đi đến các cửa hàng như trước kia. Bởi vậy, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử đã mở thêm cơ hội mới để doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì thế, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử hiện nay đang trở thành xu hướng được nhiều công ty, doanh nghiệp lựa chọn. Chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dành cho mẹ và bé như: ngũ cốc, trà thảo mộc, mầm đậu nành, bột ăn dặm…, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Secret Life đã có hơn 2.000 nhà phân phối và đại lý bán lẻ trong và ngoài nước với hình thức kinh doanh chủ yếu là bán hàng trên mạng internet, sàn thương mại điện tử. Doanh thu của công ty đạt khoảng 2 – 3 tỷ đồng/tháng, trong đó trên 80% là từ các kênh bán hàng trực tuyến”.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các công ty, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các cấp, ngành trong tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp, HTX…; tập huấn cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận cho các công ty, doanh nghiệp, HTX trong quá trình mua bán trên sàn thương mại điện tử… Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử như lazada, tiki, voso.vn, postmart.vn…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt