Nhiều con số vui vừa được Sở Tài chính báo cáo: Quý I/2024 Thanh Hóa thực hiện thu ngân sách Nhà nước ước đạt 13.356 tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán và tăng 31,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 8.656 tỷ đồng, bằng 39,3% so với dự toán và tăng 46% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 4.700 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán và tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Tín hiệu tích cực này cộng hưởng với việc sản xuất công nghiệp trong tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 của Thanh Hóa tăng mạnh theo thống kê của Sở Công Thương. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng tới 9,3% so với cùng kỳ; có 14/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng.
Một thông tin vui nữa là nhiều doanh nghiệp may mặc, da giày lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang rầm rộ tuyển công nhân, hứa hẹn sẽ tạo ra lượng việc làm lớn, đóng góp cho ngân sách Nhà nước nhiều hơn trong thời gian tới.
Những con số và thông tin rất tích cực, tuy nhiên phải xác định đây chỉ là những con số ban đầu, đặt niềm tin nhưng không nên quá lạc quan, càng không thể chủ quan.
Vấn đề đặt ra là phải có những biện pháp phù hợp để đảm bảo tốt việc nuôi dưỡng nguồn thu, giữ vững ổn định công tác thu. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường xuất, nhập khẩu hàng hóa, thì sự vào cuộc hỗ trợ của các địa phương và cơ quan chức năng là rất quan trọng.
Tại hội nghị Ban Chỉ đạo thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đánh giá tình hình thực hiện thu ngân sách Nhà nước quý I; triển khai nhiệm vụ, giải pháp thu quý II năm 2024, đại diện các sở, ngành chức năng của tỉnh đều cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho nhiệm vụ thu trong cả năm 2024. Bởi bên cạnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn biến động khó lường, thì cơ cấu nguồn thu từ hàng hóa xuất, nhập khẩu của tỉnh chưa đa dạng. Dù số doanh nghiệp mới đăng ký nhiều, nhưng hầu hết là doanh nghiệp có quy mô nhỏ đóng góp cho ngân sách sẽ chưa đáng kể…
Đảm bảo ổn định và về đích kế hoạch thu cả năm là một chặng đường dài, vì thế rất cần sự phân phối, điều tiết phù hợp. Càng có nhiều giải pháp và chủ động thực hiện thì càng đảm bảo mức độ hoàn thành. Xác định rõ điều đó để có biện pháp nuôi dưỡng và tăng thu phù hợp trong chặng đường 2/3 còn lại của năm.
Bởi vậy, cùng với tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và vướng mắc tại các dự án đầu tư tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho việc tăng thu ngân sách, đòi hỏi các ngành chức năng, các địa phương phải có các biện pháp chống thất thu tốt hơn. Trong đó, cơ quan thuế phải chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; đánh giá, phân tích tốt các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, tránh thất thu thuế. Cục Hải quan tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu như tăng cường thu thập thông tin, xác định rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện kiểm tra đột xuất đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ.
Thái Minh