Là mảnh đất có nhiều di sản văn hóa, thị xã Nghi Sơn đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đời sống và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững.
Du khách đến đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ (phường Nguyên Bình). (Ảnh Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Nghi Sơn cung cấp).
Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ thuộc phường Nguyên Bình là di tích lịch sử – văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2022. Trước đó, năm 2017, đền thờ được tu bổ lại, tháng 12-2021 được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Ông Lê Văn Bình, thủ từ cho biết: “Từ ngày được tôn tạo, phục dựng lại các lễ hội trong các ngày sinh và ngày mất của cụ, rất đông người dân và các đoàn khách đã về dâng hương, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ”.
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo đó, bên cạnh việc bố trí nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, thị xã còn chủ động kêu gọi xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, đồng thời tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn. Các di tích và danh thắng đã được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử, nhu cầu tham quan của du khách.
Đến nay, thị xã đã phối hợp triển khai đầu tư tu bổ, tôn tạo được 16 di tích gồm: Cụm di tích danh thắng Quang Trung – Lạch Bạng, di tích đền thờ Lê Đình Châu, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Am Các và chùa Am Các, di tích lịch sử Đảng bộ thị xã, quần thể di tích Biện Sơn, cụm di tích đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương… Tổng kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gần 73,7 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách tỉnh là 20,7 tỷ đồng, ngân sách thị xã 46,8 tỷ đồng, còn lại là các nguồn huy động hợp pháp khác.
Ngoài việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích, thị xã đã nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, chống thất truyền, quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa trên địa bàn đến với người dân và du khách. Điển hình như lễ hội làng Dừa (phường Xuân Lâm), lễ hội cơm mới ở thôn Tam Sơn, Đồng Lách (xã Tân Trường), lễ hội Cầu Ngư (các phường Hải Thanh, Hải Bình), trò diễn nấu cơm thi (phường Hải Nhân)…
Với nhiều hoạt động đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, trong năm 2023, thị xã đã đón hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Các sản phẩm du lịch mới, đa dạng được lưu giữ, phát huy, quảng bá đang góp phần đưa hình ảnh của Nghi Sơn nói riêng cũng như Thanh Hóa nói chung đến gần hơn với người dân cả nước.
Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Nghi Sơn Nguyễn Văn Trà cho biết: Trên địa bàn thị xã có 203 di sản văn hóa vật thể, gồm 32 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử – văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, 29 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh; 171 địa điểm di tích đã được kiểm kê bảo vệ. Thị xã còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống đã và đang được xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã sẽ tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã huy động các nguồn kinh phí đầu tư, có thêm cơ chế bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch, phát triển giao thông, phát triển du lịch; xây dựng các phương án trùng tu, tôn tạo các di tích trọng điểm, đề nghị UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch tâm linh. Cùng với đó, đầu tư các tuyến đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật khác kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn nhằm phát triển tour, tuyến du lịch trong tương lai.
Minh Khanh