Theo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa nhiệm kỳ 2020-2025, huyện phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa trên 25%, hoàn thành các tiêu chí được công nhận là đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Hoằng Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn đô thị.
Đường từ Quốc lộ 1A đi Khu du lịch Hải Tiến. Ảnh: Hoàng Đông
Quy hoạch vùng đất “cửa ngõ”
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Hoằng Hóa ưu tiên cho công tác quy hoạch phát triển đô thị theo phương châm đi trước một bước để định hướng, bảo đảm tính đồng bộ, dự báo tầm nhìn phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của huyện đối với công tác quy hoạch là phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của cấp trên, đồng thời phải có tác dụng hỗ trợ nhau, tạo sự liên kết và đồng bộ, từ đó có tác dụng định hướng cho sự phát triển chung của huyện.
Từ năm 2020 đến nay, Hoằng Hóa đã hoàn thành xây dựng quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất và nhiều quy hoạch quan trọng khác, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đáng chú ý, một số quy hoạch quan trọng, như: Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Tiến với diện tích 2.600ha, Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Bút Sơn với diện tích 1.520ha; Đồ án quy hoạch chung đô thị Thịnh Lộc; Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Công nghiệp Phú Quý…
Sau khi các đồ án quy hoạch được phê duyệt, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công bố, công khai, đăng tải thông tin, đồng thời cắm mốc giới ngoài thực địa để Nhân dân biết và thực hiện. UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, đầu tư hạ tầng… nhằm bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Huyện đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm lực trong lĩnh vực đô thị vào địa bàn, tài trợ quy hoạch, như: Công ty CP Địa ốc và Xử lý môi trường RIG Group là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa; Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa với dự án Khu dân cư đô thị xã Hoằng Đồng; Công ty TNHH Hoàng Tuấn với dự án Khu đô thị Sunrise Hoằng Hóa… Đến nay, một số dự án đã được UBND chấp thuận nhà đầu tư.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng đô thị
Đối với 2 đô thị hiện có (thị trấn Bút Sơn và đô thị Hải Tiến), những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa đã tiến hành đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và kết nối đô thị. Trong đó, ưu tiên cho hạ tầng giao thông, điện, rãnh thoát nước, lát vỉa hè, các công trình giáo dục, y tế, văn hóa.
Nổi bật phải kể đến như các công trình đường giao thông nối từ Quốc lộ 1A đi Khu du lịch Hải Tiến; đường từ Đền Tô Hiến Thành đi xã Hoằng Trường; lát đá vỉa hè dọc 2 bên tuyến đường Goòng – Hải Tiến, đoạn qua xã Hoằng Tiến, Hoằng Ngọc… Ngoài ra, nhiều đường huyện, đường thôn, phố đi qua khu dân cư được nâng cấp, cải tạo theo tiêu chí đô thị. Đối với các mặt bằng quy hoạch điểm dân cư mới, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí đô thị, đường giao thông rộng từ 7,5m trở lên, có rãnh thoát nước, vỉa hè lát đá, điện chiếu sáng và sinh hoạt được ngầm hóa. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm, thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa về xây dựng đô thị hóa nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các xã, thị trấn đã triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, rãnh thoát nước, đường điện sáng hướng tới các tiêu chí đô thị. Cách làm của huyện Hoằng Hóa cũng được đánh giá là khá bài bản và hiệu quả khi phát huy sức mạnh của toàn dân để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu dân cư gắn với các kế hoạch, đề án về chỉnh trang cảnh quan của huyện. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020-2023, tổng kinh phí đầu tư thực hiện khâu đột phá hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện Hoằng Hóa là 3.689 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông là 2.462 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 50km đường từ 4 làn xe trở lên (đường Kim – Quỳ; đường Quỳ – Xuyên; đường Thịnh – Đông; đường Goòng – Quăng…); nâng cấp, cải tạo hơn 300km các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, thôn và các trục giao thông nội đồng. Toàn huyện đã có hơn 200km đường được thảm nhựa; nhiều tuyến được lát vỉa hè, xây dựng rãnh thoát nước, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ.
Huyện ban hành đề án đầu tư, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, rãnh thoát nước, vỉa hè trên địa bàn huyện; đồng thời có nhiều cơ chế khuyến khích đô thị hóa như hỗ trợ hệ thống đường điện chiếu sáng công cộng, lát vỉa hè, xây dựng rãnh thoát nước dọc các tuyến đường qua khu dân cư. Ngoài ra, các hạ tầng kỹ thuật khác như hạ tầng xử lý nước thải, hạ tầng cấp nước và các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại… được quan tâm từ khâu quy hoạch đến triển khai thực hiện các dự án, từ đó từng bước thực hiện đô thị hóa nông thôn.
Việt Hương