Hiện nay, huyện Như Thanh có 37.619,74 ha rừng. Rừng trên địa bàn được Chi cục Kiểm lâm xác định là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, đặc biệt là trong mùa khô hanh, mùa lễ hội. Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh và chính quyền địa phương đã rà soát được 4.876,44 ha rừng có nguy cơ cháy cao để tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô hanh, đặc biệt trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh và xã Xuân Du kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn.
Đồng chí Lê Kim Du, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh cho biết: Để bảo vệ an toàn diện tích rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu với Huyện ủy ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu cho chính quyền các cấp trên địa bàn kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; tham mưu rà soát, bổ sung, xây dựng, triển khai thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phương án PCCCR… Đặc biệt ở các đền, chùa, di tích văn hóa – tâm linh, hạt đã tăng cường chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, tổ chức tuyên truyền và giám sát các hoạt động sử dụng lửa của người dân trong khu vực và khách thập phương. Tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với chủ rừng, người quản lý tại các đền, phủ thực hiện tốt công tác PCCCR.
Hạt Kiểm lâm Như Thanh đã tham mưu cho huyện Như Thanh triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn nhằm chủ động BVR như mua sắm các trang thiết bị phục vụ PCCCR; xây dựng mới hơn 4km đường PCCCR tại khu vực các xã Xuân Du, Mậu Lâm, Phượng Nghi; hướng dẫn cho Nhân dân phát dọn, xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông bằng biện pháp đốt trước có điều khiển gần 16ha; xác định nguyên nhân gây cháy, xây dựng phương án BVR, PCCCR cụ thể, phù hợp thực tế…
Điển hình như tại Khu di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng Phủ Na (Xuân Du) lượng du khách về trẩy hội Phủ Na rất đông. Khu vực này có rừng thông, địa hình đồi núi cao, vật liệu cháy dưới tán rừng là lớp thực bì dày, khả năng bén lửa cháy nhanh và tốc độ lan tràn đám cháy lớn sẽ rất khó khăn cho công tác chữa cháy nếu cháy rừng xảy ra, vì vậy Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh đã xây dựng phương án chủ động BVR, PCCCR. Tập trung tuyên truyền cho người dân chấp hành quy định không sử dụng lửa bừa bãi trong và ngoài khu vực di tích. Các đơn vị chức năng đã bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra canh gác lửa rừng, thay ca thường trực PCCCR.
Cùng chúng tôi đi khảo sát công tác PCCCR trên địa bàn xã Xuân Du, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh được UBND tỉnh giao quản lý, sử dụng hơn 15.250,4ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 9.452,64ha rừng phòng hộ trên địa bàn 12 xã thuộc các huyện Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân. Vào mùa khô hanh, lễ hội, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh đã xây dựng phương án BVR và PCCCR; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương có rừng, hạt kiểm lâm chủ động thực hiện công tác PCCCR. Nhất là địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, địa phương có rừng trong khu di tích.
Tại Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Phủ Na, Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh đã phân công 1 đồng chí lãnh đạo thường xuyên có mặt tại đây nắm bắt tình hình, cùng với trạm BVR Xuân Du phối hợp với ban quản lý khu di tích chủ động tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định tham gia lễ hội, nhất là hóa vàng, hóa sớ đúng quy định, nghiêm cấm không để tàn lửa bay vào rừng. Tổ chức tuyên truyền cho người dân sống trong, ven rừng, du khách tuân thủ, thực hiện nghiêm công tác BVR, PCCCR.
Bài và ảnh: Thu Hòa