Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã cấy xong các trà lúa vụ xuân năm 2024 và đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân cho lúa sinh trưởng, phát triển.
Nông dân xã Tượng Văn (Nông Cống) chăm bón lúa vụ xuân.
Vụ xuân năm 2024, huyện Ngọc Lặc gieo cấy 3.000ha lúa, chủ yếu là các giống lúa lai năng suất, chất lượng cao, như: Thái Xuyên 111, QL301, VT 404, Quốc Tế 1, VT 868, Thụy Hương 308, Long Hương 8117, Phúc Thái 168, Nhị Ưu 838, Nhị Ưu 986, TBR 225, MHC2, ADI 28… Nhờ chuẩn bị tốt giống, vật tư nông nghiệp ngay từ đầu vụ và gieo cấy đúng khung lịch thời vụ nên đến thời điểm này các trà lúa xuân trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh.
Bà Phạm Thị Lương ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) cho biết: “Những ngày này tranh thủ thời tiết thuận lợi người dân chúng tôi ra đồng tỉa dặm lại những diện tích lúa cấy trước tết. Đồng thời, làm cỏ, sục bùn, dẫn nước vào chân ruộng để bón thúc các loại phân bón đợt 1 giúp cây lúa nhanh phục hồi đẻ nhánh khỏe. Vụ xuân “lúa lấy nước làm áo” nên chúng tôi luôn giữ mực nước nông đều khắp mặt ruộng giúp cho lúa đẻ nhánh tốt, đặc biệt lúa vừa gieo cấy lại nhanh bén rễ hồi xanh. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp diệt chuột và ốc bươu vàng để bảo vệ lúa xuân”.
Tính đến ngày 15/2, toàn tỉnh đã gieo cấy được 108.319,8ha lúa vụ xuân, đạt 96,3% kế hoạch. Trong đó, lúa cấy 100.833,2ha, gieo sạ 7.486,6ha. Diện tích trà lúa xuân sớm được người dân các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Nông Cống… gieo cấy trước Tết Nguyên đán đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, nông dân đang tiến hành các biện pháp chăm sóc, tỉa dặm làm cỏ sục bùn. Sau Tết Nguyên đán thời tiết diễn biến cơ bản thuận lợi, công tác chăm sóc được nông dân các địa phương thực hiện kịp thời nên các trà lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 75% diện tích lúa đang hồi xanh và bắt đầu giai đoạn đẻ nhánh. Hiện vẫn còn 25% diện tích lúa xuân muộn mới cấy sau Tết Nguyên đán ở các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc… đang trong giai đoạn bén rễ, nên sinh trưởng chậm. Để đảm bảo cho lúa xuân năm 2024 sinh trưởng và phát triển, đạt năng suất cao ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân duy trì mực nước khoảng 3 – 4cm đối với lúa cấy và từ 1 – 2cm đối với lúa gieo thẳng để cây lúa đẻ nhánh được thuận lợi. Đến giai đoạn cuối cây lúa đẻ nhánh người dân cần rút nước phơi ruộng, để ruộng khô khoảng 7 ngày nhằm hạn chế lúa đẻ nhánh, sau đó đưa nước sâu khoảng 7 – 10cm giúp quá trình làm đòng được thuận lợi. Ngành nông nghiệp cũng lưu ý người dân tuyệt đối không được để ruộng thiếu nước, khô hạn hoặc ngập úng trong thời kỳ lúa đẻ nhánh và làm đòng; thường xuyên kiểm tra, củng cố bờ vùng, bờ thửa để chủ động điều tiết nước hợp lý trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa.
Ông Trịnh Văn Chất, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Khi thời tiết thuận lợi, tất cả các trà lúa phải được bón thúc sớm, nông dân nên lựa chọn các loại phân NPK chuyên thúc để tăng khả năng ra rễ, giúp lúa đẻ nhánh sớm, đạt dảnh hữu hiệu cao. Với phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”, người dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và các loại phân ủ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để giảm lượng phân bón hóa học, giảm chi phí sản xuất. Khi bón người dân cần tuân thủ theo nguyên tắc “5 đúng và một cân đối”, hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với từng giống lúa. Thời tiết những ngày qua nắng ấm thuận lợi cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển cũng là điều kiện cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát triển và gây hại. Vì vậy, người dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi và phòng trừ kịp thời. Khi phát hiện sâu bệnh hại lúa cần áp dụng quy trình IPM trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tuân theo nguyên tắc “4 đúng” để giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bài và ảnh: Lê Hợi