Sáng 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 – Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong giai đoạn mới”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 (Baochinhphu.vn).
Tham dự diễn đàn có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX và đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và một số HTX tiêu biểu của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Diễn đàn (Baochinhphu.vn).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khu vực KTTT là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam. Do đó, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị… là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển KTTT, HTX. Đồng thời, mong muốn khu vực KTTT, HTX nỗ lực, vận dụng các cơ chế, chính sách trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 20-NQ/TW để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát triển như mục tiêu, yêu cầu.
Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Thủ tướng cũng yêu cầu, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực KTTT, HTX. Trong đó, tập trung phân tích thành quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực KTTT, HTX thời gian tới… Đồng thời, góp ý, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX một cách thiết thực, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt phải phù hợp với cơ chế thị trường, tạo động lực để khu vực này bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2023, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với cùng kỳ; lợi nhuận bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX là 56 triệu đồng/người/năm… Các HTX hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh tế, đời sống của các thành viên mà còn đề cao giá trị văn hóa, đạo đức, tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội, góp phần ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh không cao. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi.
Ảnh chụp màn hình.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đều đồng tình với các báo cáo được đại diện các Bộ, ban, ngành, đơn vị trình bày; thảo luận để chỉ ra những tồn tại, hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX; đồng thời, đề xuất nhiều nội dung nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ HTX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ban, ngành và sự nhiệt tình, tâm huyết trong đóng góp, ý kiến của các đại biểu tham dự diễn đàn.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến để xây dựng văn bản chỉ đạo thực hiện, góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Các Bộ, ngành đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh, tạo thuận lợi cho khu vực KTTT, HTX; thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cổ, phát triển KTTT, HTX năng động, hiệu quả bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả. Đa dạng về loại hình, ngành nghề, lĩnh vực. Chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, tăng cường liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Cùng với đó, khu vực KTTT, HTX cần nâng cao sức cạnh tranh, khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.
Phấn đấu năm 2024, cả nước có khoảng 33.000 HTX, 6 triệu thành viên. Trong đó, 60% số HTX hoạt động khá tốt, 2.500 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, 33% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị…
Lê Hòa