Ngoài các doanh nghiệp sản xuất lớn, tập trung tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Thanh Hóa có hơn 50.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng lẻ tại các vùng nông thôn. Nhiều sản phẩm chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ ổn định đã được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và ngày càng vươn xa trên thương trường.
Tinh dầu sả chanh của Công ty TNHH Sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng (Thạch Thành) được giới thiệu tới khách hàng nước ngoài tại một hội chợ được tổ chức ở TP Hà Nội.
Theo đuổi nghề sản xuất nước mắm gia truyền từ ông cha, chủ nhãn hiệu Nước mắm Tĩnh Gia tại khu phố Sơn Hải, phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn luôn mong muốn lan tỏa “Thương hiệu” đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Từ chỗ chỉ sản xuất nhỏ lẻ, năm 2012, chủ cơ sở này đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, xây dựng nhà xưởng và đầu tư thêm dây chuyền thiết bị, ứng dụng kỹ thuật mới vào chế biến nước mắm, mắm tôm, mắm tép; đồng thời quan tâm đổi mới mẫu mã, nhãn mác hàng hóa.
Đến năm 2014, Công ty CP Nước mắm Tĩnh Gia được thành lập. Với quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm của công ty đã được công nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” phù hợp tiêu chuẩn sản phẩm – thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng, đạt chuẩn ISO 22000:2005. Năm 2020, công ty có sản phẩm nước mắm đạt OCOP 4 sao; 2 sản phẩm mắm tôm và mắm tép đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Không chỉ được ưa chuộng trong tỉnh, sản phẩm đã “có tiếng” trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2022, sản phẩm Nước mắm Tĩnh Gia của Công ty CP Nước mắm Tĩnh Gia được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Được biết, năm 2022, trong số 11 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh được lựa chọn tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực phía Bắc, có tới 8 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, bao gồm: Thảm cói trải sàn của Công ty CP Xuất nhập khẩu Việt Trang; Đá mỹ nghệ của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Châu Sa; Nước mắm Tĩnh Gia của Công ty CP Nước mắm Tĩnh Gia; Bánh gai Lâm Thắm của hộ kinh doanh Lê Hữu Lâm; Miến gạo Thăng Long của HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long; Gạo sạch Hương quê của HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn; Chè lam Phủ Quảng của hộ kinh doanh cá thể Ngô Văn Lâm; Rượu Chine men xanh cao cấp của Công ty CP Thương mại Hậu Lộc. Trong đó, sản phẩm Nước mắm Tĩnh Gia của Công ty CP Nước mắm Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn) được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Theo Sở Công Thương, ngay sau khi được chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, đơn vị đã thông tin, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia các chương trình quảng bá, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, góp phần nối dài chiến lược quảng bá thương hiệu để các sản phẩm vươn xa trên thương trường. Rất nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể sau khi đạt chứng nhận đã tiếp tục đổi mới quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và làm mới nhãn hiệu, tem mác đẹp hơn, tin cậy hơn, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành quy trình bình xét đối với 19 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm uy tín như: Ống hút tre của Công ty TNHH Vivabo (Thường Xuân); Bình tre giữ nhiệt của HTX Thăng Thọ (Nông Cống); Bộ sản phẩm cói treo tường của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống); Chiếu cói Quảng Phúc của HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc (Quảng Xương); Đông trùng hạ thảo khô của hộ kinh doanh Lê Trương Trường (Hoằng Hóa); Siro bổ dưỡng sâm báo Triso và Viên nang Sâm báo Triso của Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn (Triệu Sơn); Sâm báo mật ong của HTX dược liệu Xứ Thanh (Triệu Sơn); Trà xanh túi lọc Bình Sơn và Trà cà gai leo túi lọc Bình Sơn của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn); bánh răng bừa Nga My của HTX dịch vụ sản xuất bánh Nga My 36 (Quảng Xương); Bộ sản phẩm: Đông trùng Hạ thảo sấy khô dạng sợi, Cao đặc Đông trùng hạ thảo, Mật ong ngâm Đông trùng hạ thảo của Công ty CP Dược liệu SUKHA Việt Nam; Tinh dầu sả chanh của Công ty TNHH Sản xuất thương mại tinh dầu Minh Hồng… Sau khi được chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp địa phương, các sản phẩm sẽ tiếp tục được bình chọn tham gia sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia.
Được biết, từ kết quả bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia, ngoài quyền lợi về tiền mặt, in hoặc dán nhãn logo của chương trình lên bao bì sản phẩm, các doanh nghiệp, hộ cá thể còn được cung cấp thông tin tư vấn, hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của địa phương; đồng thời ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công để chuyển đổi công nghệ, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý và các hoạt động khác.
Bài và ảnh: Tùng Lâm