Di sản văn hóa – nguồn lực phát triển du lịch bền vững
GS.TS. Trịnh Sinh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Du lịch là một trong những ngành kinh tế còn mới nhưng đã đóng góp khá nhiều vào sự phát triển của ngành “công nghiệp văn hóa”, làm tăng lên thu nhập GDP của đất nước. Trong du lịch có một lĩnh vực quan trọng là du lịch di sản văn hóa. Đấy cũng là một nguồn vốn rất phong phú của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, để phát triển du lịch di sản văn hóa cần đi đúng hướng, song song với việc bảo tồn là việc khai thác nguồn vốn này.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh giàu tiềm năng di sản văn hóa nhất nước ta. Cho đến nay, Thanh Hóa có những di sản văn hóa được xếp hạng cỡ thế giới và quốc gia khá nhiều, chính bởi vì đây là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, với nhiều di sản văn hóa vật thể tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn, thắng cảnh Sầm Sơn… Và nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu như: Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Mường Xia, Hát sắc bùa của người Mường, lễ hội Trò Chiềng (Yên Định), Trò diễn Xuân Phả, lễ hội Pồn Pôông… Bên cạnh đó, xứ Thanh còn có 160 lễ hội truyền thống, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thanh Hóa vừa kể đã thực sự là “nguồn vốn” dồi dào để phát triển một ngành kinh tế đang ngày được quan tâm, đó là ngành du lịch. Do đó, bên cạnh việc bảo tồn di sản văn hóa để phục vụ việc phát triển du lịch bền vững còn là vấn đề có những giải pháp để phát triển du lịch một cách căn cơ, lâu dài. Để làm được điều đó tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện một số giải pháp như: Mở rộng phát triển thêm những sản phẩm du lịch; chú trọng liên kết các điểm du lịch nổi tiếng, bởi tâm lý của du khách là muốn đến một “chuỗi các điểm du lịch nổi tiếng, đa dạng trong cùng một tour khép kín, thuận tiện một cung đường”. Xa hơn, có thể mở ra những tua du lịch thăm các di sản thế giới ở Việt Nam, nối kết từ Vịnh Hạ Long đến Hoàng Thành Thăng Long vào đến cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, trong đó có điểm đến nằm giữa cung đường là Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa)…
Bảo vệ và khai thác giá trị di sản văn hóa tộc người, phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Thanh Hóa
GS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Qua các đợt khảo sát điền dã những năm gần đây ở một số huyện miền núi Thanh Hóa, nơi cư trú của các dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, nổi bật lên các yếu tố tài nguyên du lịch từ nền văn hoá của các tộc người thiểu số, cần được quan tâm xây dựng các giải pháp để bảo vệ và phát huy trong điều kiện phát triển xã hội đương đại.
Về giải pháp cụ thể, cần làm cho các cấp, các ngành và toàn thể xã hội nhận thức một cách sâu sắc rằng, việc tập trung phát triển kinh tế – xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc nói chung và các địa phương thuộc địa phương làng bản có công lao đóng góp với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói riêng vừa thể hiện đạo lý của dân tộc ta, thể hiện quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, vừa tạo điều kiện ổn định chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng trên phạm vi cả nước.
Để phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, phải tạo điều kiện để bà con các dân tộc ý thức được quyền văn hóa của dân tộc mình. Họ phải là chủ nhân của các giá trị văn hóa, được quyền sử dụng ngôn ngữ của dân tộc trong giao thiệp, trong sinh hoạt.
Các cấp chính quyền địa phương cần bảo đảm đất canh tác và đất làm nhà ở cho đồng bào dân tộc, cần tiến hành khoán rừng cho các bản làng (nơi có nhiều đất rừng) hoặc đã khoán rừng thì cần có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, giám sát, thực hiện quy trình theo đúng pháp luật và các chỉ thị từ văn bản dưới luật của Nhà nước đã ban hành.
Hàng chục năm qua, các dự án quy hoạch cho các di tích lịch sử – văn hóa ở một số địa phương tuy đã được triển khai thực hiện nhưng vẫn còn quá khiên tốn và bó hẹp trong phạm vi hạn chế. Nên chăng có sự huy động kinh phí từ các cơ quan Trung ương, các bộ, các ngành, những chủ nhân một thời có gắn bó với địa phương, được quần chúng của các địa phương bảo vệ, giúp đỡ để khôi phục, tôn tạo các di tích lịch sử có nhiều giá trị và ý nghĩa đó.
Tại một số địa phương, nơi vốn có hàng chục di tích lịch sử, văn hóa của các làng bản chưa được khảo sát, điều tra một cách đầy đủ, triệt để và toàn diện. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan bởi điều kiện và hoàn cảnh lịch sử để lại, nhiều di tích có giá trị nhiều mặt tại các bản làng đã bị “xóa sổ” hoặc đang có nguy cơ biến mất. Từ thực trạng đó, nếu các cấp lãnh đạo và quản lý không khẩn cấp có sự quan tâm trực tiếp, cụ thể đến thực trạng này thì vô tình, chúng ta đã và đang góp phần hủy hoại một cách nhanh chóng nhất di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc, làm nghèo đi vốn văn hóa do người dân nhiều thế hệ sáng tạo nên. Điều đó không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa của Nhà nước, mà còn vi phạm truyền thống yêu nước – nhân văn và đạo lý vốn có của cộng đồng dân tộc.
Cần khẩn trương xác lập một Quy hoạch văn hóa mang giá trị chiến lược trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa trong chiến lược chung của hệ thống Quy hoạch chiến lược quốc gia. Vấn đề quy hoạch chiến lược văn hóa này cần có sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ với các mục tiêu xây dựng kinh tế, chính trị và thiết chế xã hội trong điều kiện quốc tế và giao lưu hội nhập hiện nay.
Chính quyền cùng các nhà quản lý văn hóa cần có sự phối kết hợp chặt chẽ cùng cộng đồng làng bản và các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu xây dựng quy hoạch chiến lược để phát triển công nghiệp văn hóa và hoạt động du lịch trên hệ thống quản lý chung toàn tỉnh và phân chia quản lý theo các cấp mang tính thống nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hiện tại và lâu dài.
Tựu trung lại, vấn đề bảo vệ và phát huy, xây dựng và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số trong mối quan hệ hài hòa, “cộng cư – cộng mệnh – cộng cảm, cùng thụ hưởng một cách bình đẳng”, đoàn kết cùng phát triển chính là khẳng định sự phong phú, đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hoá Việt Nam, nhằm hướng tới một cách cụ thể cho mục tiêu xây dựng con người – nguồn lực cơ bản nhất trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Thanh Hóa – xứ Thanh nói riêng và cộng đồng quốc gia đa dân tộc nói chung, một cách bền vững, trong điều kiện phát triển xã hội đương đại.
Văn hóa và con người Thanh Hóa: Nguồn lực để phát triển bền vững
PGS.TS. Hỏa Diệu Thúy, Trường Đại học Hồng Đức.
Nghị quyết 58-NQ/TW, Bộ Chính trị và Chính phủ giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 phải xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trƣởng mới của khu vực phía Bắc và cả nước. Như vậy, trong nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho Thanh Hóa, có thể đọc thấy nội hàm của “phát triển bền vững” trong hai chữ “tầm nhìn”. Phát triển bền vững chính là phát triển có “tầm nhìn”. Thanh Hóa sẽ huy động nguồn lực nào để thực hiện nhiệm vụ chính trị – kinh tế quan trọng này, để góp phần vào sự phát triển của đất nước?
Yếu tố con người chính là nguồn lực đặc biệt và quan trọng nhất trong mọi thứ nguồn lực. Người Thanh Hóa nổi tiếng về nghị lực, lòng can đảm và cũng nổi tiếng về sự tự tin, táo bạo. Đây được coi là những đức tính, phẩm chất ưu tú nhất của người xứ Thanh. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, từ truyền thống đến hiện đại đã chứng minh cho những tố chất ưu việt này của người Thanh Hóa. Môi trường sống với những điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, phức tạp khiến con người nơi đây phải rèn luyện những tố chất ấy để thích ứng và tồn tại. Trải qua bao đời, những thói quen trở thành đức tính, phẩm chất. Những tố chất này khiến người xứ Thanh có tố chất thủ lĩnh, đặc biệt là thủ lĩnh khởi nghiệp, dựng nghiệp,
Việc khai thác yếu tố con người, cần đi liền với đầu tư, nguyên tắc của sự phát triển này phù hợp trước hết trong chiến lược về con người. Nguồn lực con người luôn là thế mạnh của Thanh Hóa trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, tất yếu cũng sẽ là nguồn lực trọng yếu trong phát triển tỉnh Thanh thời hội nhập quốc tế hiện nay.
Bên cạnh đó, xứ Thanh không chỉ đa dạng về văn hóa mà còn dày đặc các nền văn hóa. Hiếm có vùng đất nào trên dải đất hình chữ S này có lịch sử văn hóa đồ sộ như Thanh Hóa. Từ thời tiền sử cho đến hiện đại, Thanh Hóa nhờ mảnh đất “được chọn lựa” để hiện diện các nền văn hóa. Trải dài theo hai triền sông Mã có dấu tích của bốn nền văn hóa cổ xưa, biến dòng sông này trở thành dòng sông văn hóa: Văn hóa thời tiền sử Núi Đọ – sơ kỳ đồ đá cũ; Văn hóa Đa Bút – sơ kỳ đồ đá mới; Văn hóa Hoa Lộc – hậu kỳ đá mới, sơ kỳ đồng thau và Văn hóa Đông Sơn rực rỡ.
Địa hình xứ Thanh đa dạng, có cả miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển, nhiều cộng đồng dân tộc cùng cư ngụ từ lâu đời, vì vậy, văn hóa xứ Thanh có nhiều “lớp”, nhiều hệ thống theo những tiêu chí khác nhau. Văn hóa của từng cộng đồng người: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao…; văn hóa giao thoa giữa các cộng đồng; văn hóa gắn với lịch sử, tri thức bản địa, phong tục, tập quán… Điều này tạo nên nét độc đáo trong di sản văn hóa xứ Thanh.
Như vậy, hai yếu tố nguồn lực con người và nguồn lực văn hóa có gắn kết chặt chẽ. Khái niệm văn hóa, ở phạm vi rộng là chỉ chung tất cả những gì thuộc về tinh thần do con người tạo ra với mục đích đáp ứng nhu cầu tinh thần của mình. Song, khi gắn với hai chữ “nguồn lực” thì khái niệm văn hóa được hiểu ở phạm vi hẹp hơn, chỉ những sản phẩm cụ thể. Sản phẩm ấy có thể là vật thể hoặc phi vật thể. Khi văn hóa phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ, văn hóa sẽ trở thành ngành kinh tế, và đương nhiên, nó trở thành nguồn lực kinh tế.