Có thể khẳng định, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 đã và đang tạo ra những cơ hội thuận lợi để 11 huyện miền núi của tỉnh phát triển, từ đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc ở miền núi xứ Thanh.
Được thụ hưởng chính sách dân tộc, người dân xã Tam Chung (Mường Lát) phát triển chăn nuôi gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với mục tiêu chung của chương trình là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người dân miền núi với miền xuôi; giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn…; phấn đấu đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2,67%/năm trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm trở lên…
Được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về vốn vay để phát triển kinh tế, chị Hà Thị Dự ở thôn La Ca, xã Cổ Lũng (Bá Thước) đã đầu tư xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển giống vịt Cổ Lũng. Theo chị Dự, vịt Cổ Lũng là giống bản địa, được thị trường ưa chuộng nên đầu ra luôn ổn định, giá bán cao. Hiện mô hình của gia đình chị có khoảng 1.000 con vịt, mỗi năm xuất bán khoảng 3 lứa. Sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được huyện Bá Thước xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi vậy cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực. Trọng tâm là triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, XDNTM, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm nông nghiệp… Từ những giải pháp trên đã giúp tốc độ gia tăng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2023 của huyện ước đạt 3,85%. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã được đầu tư, xây dựng 174 dự án, với tổng mức đầu tư trên 631 tỷ đồng; nhiều công trình, mô hình sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Tại huyện Quan Hóa, để đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó huyện triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, như: Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo… Đến nay trên địa bàn huyện đã có 1 xã và 36 bản về đích NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,63 triệu đồng/năm. Thông qua các chương trình, dự án đã giúp cho nhiều hộ gia đình có vốn sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình ông Vi Văn Quý ở bản Dôi, xã Thiên Phủ; gia đình ông Lò Khăm Xiêm ở bản Poong 1, xã Hiền Kiệt; gia đình ông Lương Văn Bình ở bản Chiềng, xã Phú Sơn…
Thực tiễn cho thấy, sau gần 3 năm triển khai Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 đã có 12/28 chỉ tiêu đề ra đạt và vượt mức kế hoạch. Đây chính là đòn bẩy để các huyện miền núi trong tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Tính đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,12 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% (giảm 4,81%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 21% xuống còn 17,07% (giảm 3,93%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%); có 100% tuyến đường giao thông từ thôn, bản đến trung tâm xã được cứng hóa; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93,6%, tăng 2,8% so với năm 2020; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%…
Để Chương trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 hoàn thành mục tiêu đề ra vào năm 2025, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Mai Xuân Bình, nhiệm vụ còn lại của chương trình là rất lớn, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp, nghành, địa phương, sự đồng lòng, ý chí nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của đồng bào các dân tộc khu vực miền núi trong tỉnh.
Đối với Ban Dân tộc, được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành tổng hợp, rà soát những nội dung triển khai thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh có giải pháp khắc phục, đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương đề xuất cụ thể nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện các đề án, dự án của chương trình giai đoạn 2021-2025. Trong đó sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo; tạo điều kiện và động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tư duy sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tạo sinh kế bền vững…
Bài và ảnh: Xuân Minh