Trong định hướng, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa đã xác định yếu tố văn hóa bản địa chính là “chìa khóa”, là “thỏi nam châm” để hút khách du lịch đến suốt bốn mùa. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của văn hóa bản địa trong phát triển du lịch.
Du khách chèo thuyền trên hồ Pha Đay, bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa).
Dù đã đến bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) – điểm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái nhiều lần. Thế nhưng, mỗi khi quay trở lại, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, mát mẻ và sự thân thiện, mến khách của bà con dân tộc Thái nơi đây. Điểm đặc biệt, dù đời sống ở bản đang từng ngày thay đổi, nhưng những nếp nhà sàn xinh xắn, những khung cửi dệt thổ cẩm vẫn đang được bà con gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn. Đây chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với bản Bút ngày một nhiều hơn.
Là người đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm ở bản Bút lâu năm, bà Hà Thị Sinh cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm được truyền lại qua nhiều thế hệ, nhưng có những thời điểm tưởng như nghề bị mai một. Thế nhưng, nhờ du lịch cộng đồng phát triển nên nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở địa phương có cơ hội “sống lại”. Nếu như trước kia nghề dệt thổ cẩm chỉ gói gọn trong các sản phẩm như, chăn, gối, khăn, quần áo… thì giờ đây, để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, chúng tôi đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới đó là, túi xách, thú nhồi bông và những vật lưu niệm nhỏ. Cũng nhờ nghề dệt truyền thống được giữ gìn và phát huy mà tôi và nhiều chị em trong bản đã có việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Ông Hà Công Chức, Trưởng bản Bút cũng khẳng định, nhiều giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của người Thái còn được bảo tồn nguyên vẹn. Bởi vậy, đến với bản Bút du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa của người Thái, với những làn điệu dân ca, dân vũ mượt mà, đằm thắm, được ở trong những ngôi nhà sàn mát mẻ, trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con và thưởng thức các món ẩm thực đặc sản như canh đắng, gà nướng, cá nướng… Ngoài ra, tại bản còn có hồ Pha Đay, diện tích khoảng 2,2 ha nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Du khách đến đây có thể chèo thuyền trên hồ để trải nghiệm và ngắm nhìn phong cảnh xung quanh. Đến nay, bản có 5 hộ làm du lịch cộng đồng theo hướng homestay. Cùng với đó, bản cũng thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách và tuyên truyền, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa để du khách có thêm những trải nghiệm mới mẻ khi đến đây.
Còn tại bản Mạ (Thường Xuân), những năm gần đây đang là địa điểm đến khá “hot”, được đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến. Sở dĩ bản Mạ có sức hút là nhờ việc khai thác đúng và hiệu quả giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Thái sinh sống tại đây. Anh Vi Văn Ngọ, một trong những hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tại bản Mạ cho hay: Bản có 10 hộ làm du lịch cộng đồng theo dạng homestay. Những nét độc đáo, đặc trưng của văn hóa dân tộc Thái là điểm nhấn, mang màu sắc riêng cho hình ảnh du lịch địa phương. Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển đa dạng các loại dịch vụ để gia tăng sức hấp dẫn cho du khách như, dệt các mặt hàng thổ cẩm, thành lập các đội văn nghệ phục vụ khi khách có nhu cầu…
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong hoạt động du lịch, là nền tảng làm nên những sản phẩm du lịch khác biệt để thu hút du khách. Hơn nữa, việc khai thác các yếu tố văn hóa bản địa trong du lịch cũng góp phần gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương. Bởi vậy, hiện nay một số khu, điểm du lịch ở huyện như bản Mạ, các bản làng thuộc khu vực vùng đệm và vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, khu vực hồ Cửa Đạt, thôn Vịn… đã khai thác có hiệu quả giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Ngoài ra, hằng năm huyện đều tổ chức “Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch”, với nhiều hoạt động mang dấu ấn của đồng bào dân tộc thiểu số như: Lễ mừng cơm mới, bắn nỏ, kéo co, tung còn, khặp Thái, khua luống… thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tỉnh Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, đã sáng tạo nên những di sản văn hóa truyền thống độc đáo mang đậm dấu ấn của từng dân tộc. Điều đó, được thể hiện qua các loại hình văn hóa như phong tục, tập quán, trang phục, lễ hội, trò chơi dân gian, nghề thủ công, ẩm thực… Chính sự độc đáo và đa dạng trong văn hóa đó đã tạo nên sức hấp dẫn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm. Trong định hướng, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh cũng đã xác định yếu tố văn hóa bản địa chính là “chìa khóa”, là “thỏi nam châm” hút khách du lịch đến suốt bốn mùa. Do đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và tập trung chỉ đạo triển khai nhiều đề án thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái, cộng đồng ở các địa phương gắn với khai thác giá trị văn hóa bản địa, như: Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân…; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên… Ngoài ra, để các giá trị văn hóa bản địa được giữ gìn, phát huy, ngành văn hóa của tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, địa phương, từ đó tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Công tác kiểm kê, sưu tầm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng được quan tâm. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; thành lập các đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống phục vụ khách du lịch…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt