Thiên nhiên ưu đãi cho huyện Hậu Lộc có bờ biển dài 12,4 km, nguồn lợi thủy sản rất phong phú và đa dạng, với 2 cửa lạch: Lạch Sung và Lạch Trường, thuận tiện cho việc khai thác thủy sản. Hậu Lộc có lợi thế cả về nuôi nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng nuôi được quan tâm đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả. Một số mô hình nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành nuôi VietGAP bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi.
Tàu về trao đổi hàng hóa tại Cảng cá Hòa Lộc.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Huyện ủy Hậu Lộc đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về thực hiện nghị quyết. Chỉ đạo UBND huyện hàng năm xây dựng các chương trình kế hoạch hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các kế hoạch chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn huyện Hậu Lộc, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Hậu Lộc…
Mục tiêu là chuyển đổi đất đai, mô hình sản xuất; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; tổ chức sản xuất gắn với đề án phát triển nông nghiệp huyện Hậu Lộc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Phát triển đột phá về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản có lợi thế và thị trường tiêu thụ với sản phẩm khai thác biển và các loài con nuôi chủ lực.
Huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như quy hoạch tổng thể ngành nông – lâm – thủy sản trên địa bàn chi tiết đến từng xã, từng vùng, bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cơ sở. Cùng với việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, huyện đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với giống cua, ngao, tôm sú; phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao; triển khai sâu rộng Luật Thủy sản 2017 đến chính quyền và người dân; kiểm soát tốt tàu thuyền khai thác hải sản…
Đối với khai thác, huyện tổ chức cơ cấu lại ngành, nghề phù hợp với vùng biển, tuyến biển và hạn ngạch khai thác hải sản được cấp nhằm phát triển khai thác hợp lý, bền vững, ứng dụng công nghệ mới, giảm tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và quy định của Luật Thủy sản năm 2017 nhằm khai thác bền vững, bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện phương án củng cố, kiện toàn các tổ đoàn kết trên biển. Thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tuyên truyền để chủ tàu thực hiện các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; xử lý nghiêm tàu cá không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hàng hóa…
Tính đến tháng 11-2023, huyện Hậu Lộc có 557 tàu cá, trong đó có 227 phương tiện khai thác xa bờ được ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như máy dò cá, máy định vị khai thác xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay các chủ tàu trên địa bàn huyện đã được vay vốn đóng mới 14 tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ hậu cần, công suất từ 700 đến 1.000 CV/tàu, hoạt động xa bờ. Tăng cường quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm gắn với củng cố, kiện toàn các tổ, đội sản xuất trên biển. Huyện Hậu Lộc hiện có 133 tổ đoàn kết sản xuất trên biển, đã phát huy hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của từng thuyền viên, tính đoàn kết cộng đồng. Huyện cũng phối hợp với các ngành cấp tỉnh trong việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên hoạt động thường xuyên trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Dịch vụ hậu cần nghề cá được các cơ sở, hộ ngư dân, các chủ tàu dịch vụ hậu cần trên biển và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, đã từng bước hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Toàn huyện có 3 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền đủ điều kiện đóng mới và nâng cấp tàu cá vỏ gỗ có công suất từ 400 CV trở lên. Các cơ sở này đang tiếp tục tái đầu tư mở rộng, nâng cấp thiết bị, công nghệ, chuẩn bị nhân lực, vốn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, khai thác thủy sản.
Lĩnh vực nuôi trồng, các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao Bến Tre… Huyện Hậu Lộc đã đưa 1.855 ha vào nuôi trồng thủy sản, trong đó: nước mặn 570 ha, nước lợ 550 ha, nước ngọt 735 ha. Tập trung chỉ đạo tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất thủy sản theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao với diện tích 37 ha. Dịch chuyển 20 ha nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh sang quảng canh cải tiến; đưa một số mô hình từ quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi công nghệ cao, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt, nhà màng tại một số xã. Kêu gọi các đơn vị, cá nhân đầu tư vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích hơn 300 ha…
9 tháng năm 2023, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 36.446 tấn, đạt 75,9% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 28.188 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Toàn huyện có gần 4.000 lao động tham gia khai thác thủy sản trên biển, thu nhập lao động nghề cá tương đối ổn định. Nhiều tàu cá tham gia khai thác xa bờ, cho hiệu quả kinh tế khá cao gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hậu Lộc lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đã xác định rõ, kinh tế thủy sản là một trong những lĩnh vực thế mạnh và trọng tâm của huyện. Để phát huy tiềm năng kinh tế biển, nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, huyện Hậu Lộc đã, đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh khai thác thủy, hải sản theo hướng vươn khơi, tăng công suất máy và phương tiện, đầu tư trang thiết bị tiên tiến. Huyện khuyến khích các chủ hộ đầu tư đóng mới phương tiện có công suất lớn vươn khơi, phát triển các đội tàu thu mua, cải hoán tàu thuyền, nâng cấp công suất máy. Nâng cấp cơ sở đóng sửa tàu thuyền đủ khả năng đóng mới và sửa chữa cho các phương tiện khai thác thủy sản trong huyện. Tăng cường tuyên truyền cho ngư dân về chủ quyền biển, đảo…
Phó Chủ tịch UBND huyện Trịnh Cao Sơn, cho biết: Hậu Lộc đang tiếp tục tổ chức thực hiện 3 khâu đột phá đó là rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương như: quy hoạch khu đô thị ven biển Diêm Phố, hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối với Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, đường tỉnh 526, mở rộng nâng cấp các tuyến đường liên huyện, liên xã hình thành mạng lưới giao thông có tính kết nối cao thuận tiện cho phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển; nâng cấp, nạo vét luồng lạch cảng cá, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, khuyến khích nâng cấp, cải hoán tàu cá vươn khơi bám biển, hạn chế phát triển tàu cá khai thác ven bờ, các tàu cá tổ chức khai thác thủy sản theo tổ đội, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Ứng dụng công nghệ mới vào phát triển sản xuất như mô hình nuôi thâm canh trong nhà màng, lưới, áp dụng các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại cho các tàu cá, khai thác, bảo quản thủy sản… Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, nước ngọt theo hướng thâm canh công nghệ cao, cấp mã vùng nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Luật Thủy sản và xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu. Để cho hộ nuôi trồng yên tâm đầu tư, nâng cao giá trị nuôi trồng nước mặn, huyện đang tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch vùng triều với diện tích trên 4.000 ha, trong đó dành 1.000 ha để cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản; 1.000 ha để duy trì bảo vệ rừng ngập mặn, phát triển du lịch cộng đồng, 2.000 ha để làm vùng đi lại và đánh bắt chung.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, huyện Hậu Lộc mong muốn Trung ương, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kết nối hệ thống giao thông; nâng cấp, mở rộng Cảng cá Hòa Lộc. Tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển hệ sinh thái biển; quy hoạch, bổ sung kinh phí trong công tác trồng và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ môi trường biển. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Xây dựng nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ vùng biển, ven biển tạo đòn bẩy phát triển ngành kinh tế biển.
Cùng với các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực khắc phục khó khăn của cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ tạo động lực mới để Hậu Lộc vươn lên khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế thủy sản hiệu quả, bền vững, góp phần làm giàu cho quê biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Thu Hòa