Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản nhằm tạo ra hàng hóa chất lượng, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành liên quan, các địa phương và chủ thể sản xuất.
Diện tích sản xuất của Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 được áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại.
Hiện nay, trên địa bàn có rất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Anh Lê Đình Trúc, giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng, xã Yên Thọ (Như Thanh), cho biết: “Hiện HTX có 2 nhà xưởng chuyên trồng nấm an toàn với tổng diện tích khoảng 4 ha. Trong sản xuất nấm, HTX đã sử dụng công nghệ sấy, hấp, tiệt trùng và quy trình sản xuất đóng gói của Nhật Bản. Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 4.000 tấn nấm các loại. Trong đó, có 3 sản phẩm gồm nấm bào ngư xám, nấm mộc nhĩ khô và nấm linh chi đỏ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, doanh thu của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm”.
Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 (gọi tắt là Công ty Thiên Trường 36), vốn là doanh nghiệp kinh doanh máy móc, dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp nhưng từ năm 2015, đã rẽ hướng sang phát triển sản xuất nông nghiệp mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, doanh thu hằng năm đạt khoảng 13 tỷ đồng. Anh Nguyễn Xuân Thiên, giám đốc công ty, cho biết: “Khởi nghiệp nông nghiệp với 500m2 nhà lưới nhưng nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên chúng tôi đạt được kết quả ngoài kỳ vọng. Ngoài ra, từ năm 2016, các sản phẩm rau ăn lá, củ, quả của công ty đạt tiêu chuẩn VietGAP được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Nhận thức được giá trị của nông sản an toàn, công ty chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, mở ra hướng phát triển mới hiệu quả, bền vững hơn”.
Được biết, Công ty Thiên Trường 36 đã có hơn 4,4 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trong đó có 1,4 ha nhà màng, nhà lưới được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia/Organic. Bên cạnh áp dụng khoa học – công nghệ vào khâu sản xuất, công ty còn ứng dụng công nghệ hiện đại vào khâu đóng gói, sơ chế, bảo quản và công nghệ quét mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổng chi phí đầu tư cho trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ khoảng 20 tỷ đồng.
Rõ ràng, khi đầu tư áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp một cách bài bản sẽ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, ít bị tác động bởi thời tiết, dịch bệnh nên sản lượng, chất lượng sản phẩm bảo đảm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 170 ha sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; khoảng 765 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và gần 80.000 ha nông sản được sản xuất theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất thông thường; đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm đối với mô hình chăn nuôi, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; 80% mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được bao tiêu sản phẩm, các mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định.
Mặc dù việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, song việc ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất cần kinh phí rất lớn để xây dựng hạ tầng, sản xuất, đào tạo nhân lực… Việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, nhiều mô hình chỉ ứng dụng tại một số công đoạn nên chuỗi sản xuất chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ lẻ, trình độ sản xuất của người dân chưa phù hợp để ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất đã dẫn tới hiệu quả của hoạt động chưa đạt như kỳ vọng.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 20% trở lên trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu, tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh trong nông nghiệp. Đây là cơ hội cho các HTX, doanh nghiệp tiếp cận chính sách khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp còn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng những mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp…
Bài và ảnh: Lê Hòa