Những năm qua, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sản xuất, kinh doanh nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho người dân.
Nhân viên Công ty TNHH Nông trang xanh Tâm Thạnh, xã Nga Giáp (Nga Sơn) cung cấp sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi cung ứng.
Với định hướng thu hút phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm ngành nông nghiệp, các địa phương đã chú trọng phát triển doanh nghiệp trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản xuất tập trung theo vùng, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị. Đồng thời, khuyến khích phát triển doanh nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, gắn với chế biến thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 1.237 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị trong các ngành, sản phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, từ cung ứng đến sản xuất, bảo quản, bao tiêu sản phẩm.
Bà Mai Thị Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông trang xanh Tâm Thạnh, xã Nga Giáp (Nga Sơn), cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương về quỹ đất và các thủ tục hành chính liên quan, công ty đã xây dựng được chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Hiện công ty đang cung cấp thực phẩm cho 25 bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Nga Sơn, với sản lượng hơn 6 tạ thịt lợn/ngày. Nguồn thịt lợn cung cấp cho các bếp ăn được công ty chăn nuôi theo quy trình VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh duy trì tổ chức thường niên hội nghị kết nối cung – cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh. Hội nghị hàng năm thu hút hơn 150 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm và có từ 15 – 30 hợp đồng tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn được ký kết. Đây là hoạt động tạo sự kết nối giữa khâu sản xuất với khâu tiêu thụ, hình thành các kênh phân phối sản phẩm. Hàng năm, các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản trong tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn, sản phẩm OCOP… Qua đó, nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh với các cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, nhằm hình thành các chuỗi cung ứng – tiêu thụ sản phẩm.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp tích tụ, tập trung đất đai theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và các địa phương ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bài và ảnh: Hải Đăng