Theo Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, tình trạng tai nạn giao thông liên quan học sinh xảy ra hết sức đáng lo ngại khi làm gần 500 em chết mỗi năm và hơn 800 em bị thương, để lại những hậu quả nặng về đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh chụp màn hình).
Chiều 2/11, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã chủ trì hội nghị trực tuyến chuyên đề toàn quốc về bảo đảm ATGT đối với học sinh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng cùng các đại biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan của tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Hằng năm, Ủy Ban ATGT Quốc gia lấy Tháng 9 để triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường”; Ban hành Công điện số 256/CĐ-UBATGTQG, ngày 7/6/2023 về việc tăng cường bảo đảm ATGT cho học sinh. Trong đó, yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng – nhà trường – gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
10 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT. Cũng trong 10 tháng năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (chiếm 8,96% số vụ TNGT toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc). Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Nguyên nhân xảy ra TNGT phần lớn do đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng không đúng quy định; tránh vượt không đúng quy định; không nhường đường; không giữ khoảng cách an toàn; sử dụng rượu bia; vi phạm tốc độ; không chấp hành biển báo hiệu đường bộ; đi bộ qua đường không đúng quy định…
Ngoài ra, các lực lượng cũng ngăn chặn 3 vụ đua xe trái phép, tạm giữ 57 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 51 xe mô tô; 201 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 395 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 537 mô tô.
Điểm cầu hội nghị tại các địa phương trong cả nước. (Ảnh chụp màn hình).
Tại hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu đã tập trung thảo luận, phân tích những nguyên nhân gây TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh trên địa bàn cả nước, như: Việc phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT còn chưa hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chung chung, hình thức, chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh. Công tác giáo dục ATGT đã được các cơ sở giáo dục lồng ghép vào trong chương trình chính khóa nhưng chưa có khung chương trình chuẩn cho từng cấp học. Một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con em học sinh. Công tác xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm với học sinh còn gặp khó khăn, do công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường. Một số địa phương buông lỏng quản lý hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh dẫn tới các vụ TNGT liên quan tới dịch vụ đưa đón học sinh…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ban ngành trung ương và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới” và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe, đi xe dàn hàng ngang, đua xe trái phép.
Các bộ, ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên tuyền, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Các địa phương tuyệt đối không chủ quan, phải có giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả để đảm bảo tuyệt đối an toàn trường học, nhất là ATGT khu vực cổng trường. Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng – nhà trường – gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT.
Lê Hợi