Sáng 31/10, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng và đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan dự hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng nhằm mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Dự thảo đã xác định danh mục các dự án, đề án, quy mô công suất theo loại hình nguồn điện, giải pháp để triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện.
Đại diện các ngành dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá.
Đối với nguồn điện, dự thảo kế hoạch đã cập nhật và xác định chi tiết kế hoạch phát triển đối với các dự án nguồn điện phù hợp cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 tại Quy hoạch điện VIII, bao gồm tổng công suất nhiệt điện LNG 22.400 MW; nhiệt điện than 30.127 MW; nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ 2.700 MW; nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW; thủy điện 29.346 MW; thủy điện tích năng 2.400 MW; pin lưu trữ 300 MW.
Kế hoạch cũng xác định công suất các nguồn năng lượng tái tạo đến cấp tỉnh, vùng phù hợp với cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 tại Quy hoạch điện VIII, bao gồm 21.880 MW điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ); 6.000 MW điện gió ngoài khơi; tăng thêm 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu; 2.270 MW điện sinh khối, điện sản xuất từ rác; 29.346 MW thủy điện nhỏ.
Đối với các nguồn điện linh hoạt, dự thảo dự kiến phát triển 300 MW đến năm 2030. Ưu tiên phát triển tại các khu vực có khả năng thiếu hụt công suất dự phòng; tận dụng hạ tầng lưới điện sẵn có.
Đối với nhập khẩu điện, đến năm 2030 dự kiến nhập khẩu khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của Lào.
Đối với nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới, những vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài là khu vực miền Trung và miền Nam. Quy mô xuất khẩu 5.000 – 10.000 MW vào năm 2030 khi có các dự án khả thi.
Đáng chú ý, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nêu rõ: Trong quá trình triển khai, nếu các dự án nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII gặp khó khăn, vướng mắc, không triển khai được, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đẩy sớm tiến độ các dự án quy hoạch giai đoạn sau lên hoặc lựa chọn các dự án khác thay thế để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Danh mục các dự án lưới điện cũng được xác định cụ thể với tổng nhu cầu sử dụng sử dụng đất cho nguồn và lưới điện truyền tải toàn quốc giai đoạn 2021-2030 khoảng 90,3 nghìn ha. Đối với điện gió ngoài khơi, tổng nhu cầu diện tích mặt biển giai đoạn 2021-2030 khoảng 111,6 nghìn ha.
Toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; theo đó, giai đoạn 2021-2025 là hơn 57 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD. Các đề án/dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện sử dụng nguồn vốn đầu tư công với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: Yêu cầu thực hiện quy hoạch phát triển điện lực phải đảm bảo tính tuân thủ, kế thừa các nghị quyết, chương trình hành động, các quy hoạch ngành và kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành liên quan đã được phê duyệt; đảm bảo phát triển cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung – cầu nội vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ, giảm truyền tải điện đi xa.
Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII cần xây dựng và bổ sung theo hướng ưu tiên và có kế hoạch cụ thể nhằm triển khai sớm mà mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối, điện sản xuất từ rác…), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh…) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà theo đúng quy hoạch. Cùng với đó, cần khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu. Giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị đơn vị soạn thảo chú trọng xây dựng các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch điện VIII hiệu quả bao gồm: Giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện, tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện; giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực… Đồng thời, định hướng cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.
Minh Hằng