Đền thờ Bà Triệu được dựng từ thời vua Lý Nam Đế, toạ lạc trên núi Gai, để tưởng nhớ công lao của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh – người có công đánh đuổi quân Đông Ngô.
Đền thờ Bà Triệu nằm gần quốc lộ 1A, ngay dưới chân núi Gai ở thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.
Ngôi đền cổ cách TP Thanh Hóa gần 18km về phía bắc và cách Hà Nội khoảng 140km về hướng Nam.
Tương truyền, vào thời vua Lý Nam Đế (542-548) trong một lần thân chinh đi đánh giặc Lâm Ấp xâm chiếm bờ cõi phương nam, nhà vua đã vào đền khẩn cầu Bà Triệu phù hộ. Ngày thắng giặc trở về, nhà vua đã trở lại làm lễ tạ ơn rồi cấp tiền cho dân làng Bồ Điền tu sửa, mở rộng đền thờ.
Sau nhiều lần bị tàn phá, tới thời vua Minh Mạng, ngôi đền được di chuyển về vị trí hiện tại. Cuối thế kỷ 18, đền bắt đầu có diện mạo như ngày nay. Đền được xây dựng theo kiến trúc nội công ngoại quốc với ba tòa nhà chính gồm tiền đường, trung đường và hậu cung làm trung tâm.
Nghi môn nội được thiết kế kiểu tam quan có ba lối đi vào trong. Hai bên cửa chính được đặt hai bức tượng nghê chầu cổ bằng đá.
Tiền đường là một trong ba điện thờ chính, được cấu trúc ba gian hai chái. Trung đường được cấu trúc năm gian, hai tầng mái cong.
Hậu cung là công trình có địa thế cao nhất, dựa lưng vững chãi vào núi Gai. Đây là công trình kiến trúc gỗ dài 2,45m, rộng 6,9m và cũng có hai tầng mái cong – kiểu truyền thống như các ngôi đình, chùa cổ khác ở Việt Nam.
Bậc thềm dẫn lên tòa hậu cung được tạc dựng cặp rồng bằng đá xanh nguyên khối dáng vẻ uy nghi.
Cách đền thờ Bà Triệu khoảng 500m về phía Tây là khu lăng mộ của bà Triệu và mộ ba ông tướng họ Lý. Khu lăng mộ nằm trên đỉnh núi Tùng – một ngọn núi vừa có đá vôi lẫn đồi đất thuộc dãy Tam Đa, chạy theo hướng Tây Bắc.
Lăng mộ được bao phong thành mộ nổi, có tường hoa vây quanh theo đồ án hình vuông.
Xưa kia, khu lăng mộ được xây bằng gạch. Đến năm 2005, lăng mộ Bà Triệu được trùng tu trên cơ sở giữ nguyên hình dáng kiến trúc nhưng thay đổi từ vật liệu gạch trát vữa vôi sang đá nguyên khối.
Cạnh ngôi mộ là một bảo tháp cũng được tạc dựng bằng đá xanh nguyên khối kiên cố.
Để đến được khu lăng mộ Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng, du khách phải băng qua hơn 300 bậc thềm đá với độ dốc lớn.
Dưới chân núi Tùng là phần mộ của ba ông tướng họ Lý gồm Lý Công Thành, Lý Công Hoằng và Lý Công Mỹ. Tương truyền, họ là những người con ưu tú của làng Bồ Điền, từng sát cánh cùng Bà Triệu đánh giặc năm xưa.
Quần thể di tích đền Bà Triệu còn có một số di tích phụ cận khác như miếu Bàn Thề, đền Đệ Tứ và đình Phú Điền (ảnh) – nơi Bà Triệu được suy tôn là thành hoàng làng.
Theo tài liệu lịch sử, Triệu Thị Trinh sinh năm 226, quê ở quận Cửu Chân, nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà đến ở với anh trai là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên.
Vốn giỏi võ nghệ, năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh cùng anh trai chiêu mộ hàng nghìn tráng sĩ ở núi Nưa dấy binh khởi nghĩa chống quân Đông Ngô xâm lược. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi hưởng ứng, sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh. Đúng lúc này, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy Triệu Thị Trinh làm tướng can đảm nên tôn làm chủ tướng.
Quân Ngô phải cử đội quân hùng mạnh cùng nhiều viên tướng giàu kinh nghiệm trận mạc sang đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng chênh lệch cùng nhiều mưu mô thâm độc khiến nghĩa quân của nữ tướng xứ Thanh thất bại. Bà Triệu tuẫn tiết tại núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc vào ngày 22/2, năm Mậu Thìn 248.
Để tưởng niệm công lao của Bà Triệu, nhân dân địa phương đã lập đền thờ, quanh năm hương khói thờ phụng bà.
Năm 2014, đền Bà Triệu được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Năm 2023, lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản Thanh Hóa, mỗi năm có hàng chục nghìn du khách đến tham quan, lễ viếng tại di tích Bà Triệu. Đông nhất thường vào dịp lễ hội được tổ chức từ ngày 21 đến 23/2 âm lịch hằng năm.
Lê Hoàng (Vnexpress)