Chiều 30/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 24/10/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 164-KH/TU, ngày 11/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kế hoạch về thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh hội nghị.
Đồng chí Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan của tỉnh, Quỹ bảo vệ, phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông qua các Kế hoạch tại hội nghị.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang quản lý 626.756 ha rừng và đất lâm nghiệp, 245.367 ha đất nông nghiệp. Trong bối cảnh 6 vùng Bắc Trung bộ được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, trao cơ hội để các tỉnh thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cho Ngân hàng Thế giới qua Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp, với 10,3 triệu tấn các-bon từ rừng, mang lại giá trị cho ngành lâm nghiệp 6 tỉnh 51,5 triệu USD.
Đây là nguồn lực và cơ hội để Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo tinh thần chỉ đạo tại Kế hoạch số 261/KH-UBND, ngày 24/10/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 164-KH/TU, ngày 11/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Các đại biểu dự hội nghị.
Tại hội nghị, trên cơ sở các nhiệm vụ UBND tỉnh giao trong kế hoạch, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra những giải pháp gắn với thực tế địa phương để tổ chức triển khai thực hiện nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và nâng cao giá trị kinh tế của ngành lâm nghiệp trên địa bàn. Các đại biểu cũng thảo luận các nội dung Kế hoạch triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, như: Tổ chức rà soát kiểm tra, điều tra, thẩm định, xác định diện tích rừng tự nhiên của từng chủ rừng để tham mưu cho UBND tỉnh trình phê duyệt.
Các đơn vị chủ rừng, UBND các xã cần nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tài chính ERPA năm 2023 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí của các đối tượng hưởng lợi theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 của Chính phủ, đảm bảo việc chi trả, sử dụng được công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, trên cơ sở nội dung, nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 261/KH-UBND, ngày 24/10/2023, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường đề nghị Giám đốc các ngành có liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế từ rừng.
Đối với Kế hoạch triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, đơn vị và các chủ rừng tăng cường các biện pháp chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chính sách và pháp luật về lâm nghiệp, trong đó có nội dung về thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Thanh Hoá.
Hải Đăng